Vàng không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa do ít tăng giá. Ảnh: Đức Thanh |
Giới đầu tư thận trọng
Khởi đầu tuần này, giá vàng thế giới giảm nhẹ (1.347 USD/oz), song vẫn đứng ở mức cao nhất trong vòng hơn 1 tháng qua. USD không thể bật tăng dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc… khiến giá vàng được neo ở giá cao. Trong bối cảnh còn nhiều bất trắc về địa chính trị và kinh tế thế giới, giá vàng thế giới tuần tới được dự báo có thể đạt tới 1.360 USD/oz.
Tuy giá vàng thế giới đang ủng hộ các nhà đầu tư, song ở trong nước, thị trường vàng lại khá trầm lắng. Khảo sát thị trường cho thấy, giá vàng đang khá sát với giá thế giới. Tại nhiều thời điểm, giá vàng còn thấp hơn giá vàng thế giới. Chênh lệch mua vào - bán ra cũng chỉ khoảng 150.000 - 200.000 đồng/lượng, chứ không vọt lên cả triệu đồng/lượng như một số đợt sốt giá trước đây. Mặc dù vậy, người mua vẫn khá thờ ơ.
Đại diện Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho hay, tuần qua, giá vàng tăng gần 300.000 đồng/lượng. Dù vậy, giao dịch bán vàng vẫn là chủ yếu, 70% khách tham gia giao dịch tại DOJI là bán vàng.
“Vàng và USD không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa do ít tăng giá”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những biến động trên thế giới chưa đủ để đẩy giá vàng tăng đột biến. Suốt cả năm 2017, dù giá vàng thế giới có lúc lên, lúc xuống, nhưng cơ bản ổn định, tính trung bình cả năm hầu như không tăng khiến nhà đầu tư nản lòng.
Cùng chung nhận định, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kênh đầu tư vàng trong nước đang bị cạnh tranh bởi rất nhiều yếu tố như cổ phiếu (nhất là cổ phiếu ngân hàng, bất động sản) tăng rất mạnh, làn sóng IPO, thị trường bất động sản phục hồi bền vững…
Thực tế, suốt từ đầu năm đến nay, ngoại trừ dịp Thần Tài, thị trường vàng trong nước khá buồn tẻ. Chính sách thắt chặt quản lý của Ngân hàng Nhà nước 5 năm qua đã làm thui chột yếu tố đầu cơ, thị trường vàng không còn động lực tạo sóng. Dù năm nay, Fed có thể tăng lãi suất USD 2-3 lần nữa, song TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá vàng vẫn tiếp tục ổn định.
“Nếu thị trường thế giới không có những biến động ‘sốc’, giá vàng bình quân trong nước năm 2018 nhiều khả năng sẽ tiếp tục ổn định như năm 2017, tất nhiên sẽ có những thời điểm lên xuống. Như vậy, việc đầu tư vàng hiện nay không còn phù hợp với nhà đầu tư nhỏ lẻ. Còn với nhà đầu tư tổ chức, khi đầu tư vàng, cũng phải theo dõi thị trường một cách sát sao”, TS. Hiếu nhận định.
Nhà vàng kém mặn mà
Không chỉ nhà đầu tư thờ ơ, mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không mặn mà với thông tin giá vàng thế giới tăng. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Thế Lựu, Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính và vàng Mường Thanh xác nhận, do nhu cầu mua vàng miếng của người dân giảm, nên từ vài năm nay, Công ty chỉ tập trung vào sản xuất vàng trang sức và không còn quan tâm nhiều đến giá vàng thế giới.
Trong khi đó, trưởng phòng kinh doanh của một doanh nghiệp vàng lớn cho hay, trước đây, doanh thu vàng chỉ, vàng miếng chiếm 80% tổng doanh thu của công ty. Tuy nhiên, hiện nay tình thế đã đảo ngược, vàng miếng chỉ còn chiếm gần 20% tổng doanh thu, nhường 80% cho vàng trang sức.
“Do không được nhập khẩu vàng miếng từ thị trường thế giới, mà chỉ thu mua trong nước, nên giá vàng thế giới tăng, giảm hầu như không tác động đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng. Lượng vàng bán ra của chúng tôi tuần qua cũng không có gì đột biến, chưa ghi nhận bất thường gì”, vị trưởng phòng trên cho biết.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, vấn đề được nhiều doanh nghiệp đề nghị sửa đổi nhất là cho phép doanh nghiệp được huy động vàng từ dân cư, được nhập khẩu vàng nguyên liệu trên thế giới để sản xuất, kinh doanh…