Quốc tế
Giá vàng thế giới "bắn phá" mốc 2.200 USD/ounce
Đông Phong - 21/03/2024 11:16
Giá vàng thế giới lần đầu tiên vượt lên mốc 2.200 USD/ounce sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì triển vọng thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Kịch bản giá vàng "bắn phá" mốc 2.200 USD/ounce đã được giới phân tích dự báo từ trước. Ảnh: AFP

Giá vàng giao ngay đã tăng 0,7% lên 2.201,94 USD/ounce vào lúc 9:40 sáng ngày 21/3 tại Singapore. Tương tự, giá bạc, bạch kim và palladium cũng đều tăng. Trong khi đó, chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, một thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 10 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm 0,2%.

Thực tế, giá vàng thế giới đã nhảy vọt kể từ giữa tháng 2 do được củng cố bởi những yếu tố hỗ trợ dài hạn, bao gồm rủi ro địa chính trị gia tăng và lực mua vào của các ngân hàng trung ương mà dẫn đầu là Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng của giá vàng thế giới đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát thị trường dày dạn kinh nghiệm vì thị trường vốn chưa có chất xúc tác rõ ràng.

Đợt tăng giá này trên thị trường vàng thế giới một phần được thúc đẩy bởi những kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng hơn ở Mỹ và điều đó đã được Fed tái khẳng định trong cuộc họp chính sách tiền tệ kết thúc vào ngày 20/3.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, tiếp tục nhấn mạnh rằng họ muốn có thêm bằng chứng cho thấy giá cả đang giảm, nhưng "theo quan điểm của hầu hết mọi người, vẫn có khả năng chúng tôi sẽ đạt được niềm tin đó và sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất".

Ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone Group, cho biết: "Những gì chúng tôi quan sát thấy đêm qua thực sự đã bật đèn xanh cho các nhà giao dịch vàng quay trở lại". "Fed cho biết hiện tại họ chấp nhận mức lạm phát mà chúng ta đã thấy, họ nhận thấy rằng sức mạnh của thị trường lao động sẽ không phải là trở ngại", ông Weston nói thêm.

Suy đoán về thời điểm xoay trục chính sách tiền tệ của Fed đã được kỳ vọng từ lâu và điều này đã tạo ra động lực cho giá vàng nhảy vọt gần đây.

Dữ liệu cho thấy rằng các nhà giao dịch đã tăng vị thế mua ròng của họ đối với kim loại vàng vào tuần trước, đáng nói đây là mức mua ròng nhiều nhất kể từ năm 2019, theo Bloomberg. Thị trường vàng thậm chí còn được hưởng lợi nhiều hơn nếu Mỹ hạ lãi suất, bởi khi đó các quỹ hoán đổi danh mục sẽ gia tăng lượng nắm giữ vàng thỏi, theo phân tích của tập đoàn tài chính UBS.

Về mặt địa chính trị, có một số rủi ro làm tăng sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn. Nga dường như đang chiếm thế thượng phong trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, trong khi xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas vẫn chưa lắng xuống và dẫn đến việc định tuyến lại vận tải biển toàn cầu. Mặt khác, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay được dự đoán sẽ gây ra tác động lớn đến thị trường vàng.

Hoạt động mua vào của Trung Quốc cũng đã củng cố thị trường vàng. Cũng như ngân hàng trung ương, người dân nước này thường xuyên tích trữ đồng xu, vàng miếng và vàng trang sức để bảo vệ tài sản của mình trước sự suy thoái bất động sản kéo dài và sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán nước này trong năm qua.

Tin liên quan
Tin khác