Ngân hàng - Bảo hiểm
Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới
T.V - 09/06/2021 10:23
Giá vàng quốc tế giao dịch trong phiên sáng nay tăng nhẹ so với cuối phiên hôm qua, quanh mức 1.894-1.895 USD/ounce do động thái chốt lời của nhà đầu tư. Ngược lại, giá vàng SJC trong nước giảm.

Trước đó, vàng đã vượt qua mức 1.900 USD/ounce trong phiên giao dịch ngày 8/6, nhưng do động thái chốt lời của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế với giao dịch hợp đồng tương lai ngắn hạn khiến vàng đảo chiều về dưới mức trên. 

USD có dấu hiệu đi lên, nhưng vẫn ở mức thấp do ảnh hưởng bởi báo cáo bảng lương đáng thất vọng tại Mỹ vào tuần trước.

Chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,20% lên 90,12 điểm sáng nay. 

Các quỹ đầu tư vàng đang chờ đợi tâm điểm thông tin trong tuần là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 sẽ được công bố vào thứ 5, trong đó dự kiến ​​sẽ tăng 0,5% so với tháng 4 và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Thị trường tương đối bình lặng và đồng đô la Mỹ vẫn giao dịch ở mức tương đối thấp trước thời điểm phát hành báo cáo cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc làm của Mỹ.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, được công bố vào thứ Năm (10/6), có thể làm dấy lên lo ngại  Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu động thái thu hẹp quy mô chính sách tiền tệ nới lỏng, và theo đó khiến giá vàng giảm.

Bitcoin đã giảm xuống dưới 33.000 USD sau khi cố vấn Nhà Trắng Jake Sulivan nói rằng Tổng thống Joe Biden sẽ chú trọng đến vai trò của tiền mã hóa trong các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tuần.

Trong bối cảnh này, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ vẫn ở mức thấp quanh 1,56% và chỉ số US dollar index (DXY) vẫn giảm trong ngày thứ ba liên tiếp. 

Đồng thời, áp lực lạm phát Mỹ cũng đang tăng trở lại trong tháng 5/2021, động lực chính đến từ giá năng lượng, trong khi tác động của giá trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các kỳ nghỉ trọn gói cũng là một yếu tố góp phần cho lạm phát. 

Vì vậy, vàng vẫn được nhận định còn cơ hội tăng giá. Ngân hàng Societe Generale cho biết giá vàng có thể đạt 2.000 USD vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, đối với thị trường vàng trong nước, theo đánh giá của các nhà phân tích lĩnh vực vàng, rủi ro cho nhà đầu tư mua vàng vẫn khá lớn.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, ngoài lạm phát sẽ là trọng tâm chính trong thời gian này, USD giảm giá và tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia khiến nhà đầu tư tìm đến hầm trú ấn an toàn vàng.

 Thế nhưng, mua vàng ở thị trường nội địa rủi ro luôn đi kèm, nguyên nhân chủ yếu là do giá vàng trong nước luôn cao hơn so với giá quốc tế và ở nhiều thời điểm trong 4 tháng đầu năm nay, giá vàng quốc tế rẻ hơn giá trong nước lên đến 7-9 triệu đồng/lượng. 

Ngay trong phiên giao dịch ngày 9/6, trong khi giá vàng giao dịch trên thị trường quốc tế tăng thì vàng SJC niêm yết trong nước lại có xu hướng ngược chiều giảm. 

Cụ thể, mở phiên sáng ngày 9/6, vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng/lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào còn 56,65 triệu đồng/lượng và bán ra 57,25 triệu đồng/lượng và tăng lên 56.7-57,3 triệu đồng/lượng (mua-bán) lúc 9h30. 

Quy đổi vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 4,4 triệu đồng/lượng tính theo tỷ giá niêm yết tại Vietcombank sáng nay. 

Ngày 9/6, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.107 đồng/USD, giảm 13 đồng so với hôm qua. Ngân hàng Vietcombank trong ngày 8.6 giảm thêm 20 đồng và đang duy trì giá mua vào 22.830 đồng/USD và bán ra 23.060 đồng/USD. 

Tin liên quan
Tin khác