Giá vàng thế giới tiếp tục chịu tác động từ sự gia tăng sức mạnh của USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Trong khi đó, giá vàng tương lai giao tháng 4/2021 sáng nay tăng hơn 4 USD, lên 1.682,2 USD/ounce.
Sau khi gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD được Thượng viện Mỹ thông qua, lo ngại lạm phát tăng cũng xuất hiện, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên gần đỉnh 1 năm.
USD đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng trở lại đây khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Đồng bạc xanh đã mạnh lên gần 2,5% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại khiến các nhà đầu tư lo lắng và thúc đẩy sự hấp dẫn nơi trú ẩn an toàn của USD.
USD Index - Chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,47% lên 92,420 điểm sáng nay.
Trước sự trượt dốc của giá vàng, Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã bán ra 5,82 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ còn 1.063,44 tấn. Giá kim loại quý đang được dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới.
Đối với thị trường vàng trong nước, vàng SJC do SJC niêm yết cũng giảm mạnh sáng nay về còn 55,89 - 55,32 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm trên dưới 200.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua.
Tuy nhiên, quy đổi giá thế giới, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lên đến 8,5 triệu đồng/lượng (chưa loại trừ phí, thuế), tính theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank là 23.125 VND/USD.
Như vậy, người mua vàng trong nước không chỉ lỗ nặng sau hơn 2 tuần đổ xô mua vàng cầu may trong ngày vía Thần tài đầu năm nay, với mức lỗ hơn 1 triệu đồng/lượng, đó là chưa kể chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước lên mức cao.
Ngày 9/3, tỷ giá trung tâm tại Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lên 23.200 đồng/USD, cộng 15 đồng so với ngày hôm trước.