Có nhiều quan điểm trái chiều về giá vàng tuần tới. Ảnh minh họa: Kitco.com |
Kỳ vọng gia tăng về khả năng nâng lãi suất đồng USD của Fed có thể sẽ kéo giá kim loại quý, trong đó có vàng, đi xuống. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về thị trường vàng.
Thực tế đã chứng minh, trong tuần vừa qua, đà leo thang của giá vàng đã át đi sự chen chân của đồng USD, đặc biệt là sau khi Nhân dân tệ của Trung Quốc được Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF thêm vào giỏ tiền dự trữ ngoại tệ quốc tế (SDR). Hiện lãi suất USD vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục trong hàng thập kỷ qua.
“Lệch pha” về dự báo giá vàng
Trong 2 tuần qua, giá vàng giao sau tháng 2/2016 trên sàn Comex được hưởng lợi nhờ “lực hồi phục ngắn trong tuần”. Tuy nhiên, động lực này chưa đủ mạnh để giá vàng giao sau có thể chốt tuần ở mức khả quan.
Theo Kitconews, giá vàng giao kỳ hạn tháng 2 trên sàn Comex vẫn dao động ở ngưỡng 1.075,70 USD/ounce (tương đương trên 29 triệu đồng/lượng), giảm khoảng 1% so với tuần trước.
Có nhiều ý kiến trái chiều nhau về giá vàng trong tuần sau, trong khi hầu hết các nhà đầu tư bán lẻ mong vàng rớt giá trong tuần tới và thì hầu hết các nhà phân tích thị trường dự kiến giá vàng sẽ tăng lên cao hơn do hoạt động mua bù bán sau cuộc họp chính sách tiền tệ của Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), theo khả sát vàng mới nhất của Kitco News giữa Phố Wall và Main Street.
Khảo sát hàng tuần dựa trên đánh giá của chuyên gia và nhà đầu tư do Kitco News thực hiện giữa Wall Street và Main Street cho thấy, đa số các chuyên gia đều có quan điểm nghi ngờ về khả năng giá vàng sẽ phục hồi trong tuần tới.
Tuần này có 450 người tham giá khảo sát trực tuyến của Kitco, trong đó 116 người (tương đương 26%) tin tưởng giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Ngược lại, 299 người (66%) bi quan về giá vàng, và 35 người (8%) giữ quan điểm trung lập.
Trong số 36 chuyên gia thị trường tham gia khảo sát, có 18 người (50%) nhận định giá vàng sẽ tăng cao vào tuần sau, chỉ có 33% cho rằng vàng sẽ giảm, và 17% dự báo giá vàng sẽ đứng im.
“Ngóng” tin từ cuộc họp của Fed
Phiên họp của Fed trong 2 ngày 15 - 16/12 sắp tới sẽ là yếu tố then chốt đối với xu hướng trong ngắn hạn của giá vàng. Mặc dù vậy, đa số thành viên thị trường giữ quan điểm lạc quan đối với kim loại quý này trong tuần tới.
Sau gần một năm chờ đợi dai dẳng, chỉ còn vài ngày nữa phiên họp của Uỷ ban thị trường mở (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra, cân nhắc quyết định liệu có tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 6/2009. Theo các chuyên gia, khi quyết định này được đưa ra, nó có thể ảnh hưởng tích cực tới giá vàng mặc dù có thể chỉ trong ngắn hạn.
Mặc dù trong tuần tới sẽ có một số thông tin kinh tế quan trong của Mỹ được công bố nhưng giới đầu tư và các chuyên gia sẽ chỉ tập trung vào diễn biến phiên họp của Fed. Hiện tại, có 80% tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên 25 điểm cơ bản trong phiên họp này.
Ole Hansen, giám đốc chiến lược giao dịch hàng hóa tại Saxo Bank cho rằng, ông kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên trong tuần tới, khi phiên họp của Fed khiến nhiều nhà đầu tư cơ tập trung vào đồng USD, đồng thời cũng gây ra lo ngại về việc mất kiểm soát đối với đồng bạc xanh - yếu tố tác động mạnh tới giá vàng. Ole Hansen dự báo giá vàng có thể tăng lên tới ngưỡng 1.100 USD/ounce.
Mặc dù phần lớn các ý kiến cho rằng giá vàng có thể tăng trong ngắn hạn, một số chuyên gia tỏ ra không lạc quan với việc vàng có thể thu hút được các nhà đầu tư trong dài hạn. Theo đó, mặc dù giá vàng có vẻ như đang ở mức đáy nhưng các quỹ đầu tư vẫn chưa tham gia mạnh vào thị trường cho tới khi họ tự tin rằng giá vàng sẽ đi lên.
Chris Beauchamp, chiến lược gia tại IG cho rằng, ông tin vàng có thể đi lên trong ngắn hạn nhưng đồng thời cảnh báo rằng nhà đầu tư nên chú ý tới giá dầu vì loại nguyên liệu thô này có thể “nhấm chìm” tất cả các nguyên liệu khác trên thị trường, trong đó có vàng.
Theo Chris Beauchamp, về mặt kỹ thuật, vàng có thể giữ vững mốc 1.050 USD/ounce, và nếu ngưỡng này bị phá vỡ, giới đầu tư sẽ chứng kiến vàng xuống mốc 1.030 USD/ounce, như đã từng xảy ra vào khủng hoảng kinh tế năm 2008.