Ngân hàng - Bảo hiểm
Giá vàng vẫn giảm trước ngày vía thần Tài
Thùy Vinh - 18/02/2021 09:43
Giá vàng trong phiên giao dịch ngày 18/2 chỉ xoay quanh 1.776 USD/ounce theo Kitco, giảm tiếp khoảng 10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 cũng chỉ còn hơn 1.776 USD/ounce. Vàng SJC giảm về 56,8 triệu đồng/lượng.

Phiên sáng nay, giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á tiếp tục giảm gần 8 USD/ounce so với mở cửa phiên sáng ngày hôm qua, ở mức 1.782,3 USD/ounce.

Giá vàng giảm xuống thấp nhất trong hơn 2 tháng vừa qua do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và USD tăng tiếp tục gây áp lực lên kim loại quý.

Tiến triển của gói cứu trợ Covid-19 của Mỹ trị giá 1.900 tỷ USD tiếp tục thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng.

Mặt khác, giá vàng thế giới liên tục suy giảm giữa bối cảnh chứng khoán Mỹ vẫn liên tục thiết lập mốc kỷ lục mới. Sáng nay, DJIA duy trì ngưỡng 31.613 điểm, tiếp tục tăng hơn 90 điểm. Bên cạnh đó, cơn sốt bitcoin vẫn chưa dừng lại.

Ở một diễn biến khác, thông tin từ IIF, núi nợ toàn cầu cũng đã đội lên con số kỷ lục 281.000 tỷ USD và con số này được dự báo tiếp tục tăng trong năm 2021.

Hành động giá trên thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư gần như không quan tâm đến đà phục hồi kinh tế mà đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và những cảnh báo của các nhà phân tích về bong bóng tài chính ngày càng phình to.

Giá vàng được giới phân tích tài chính dự báo, có thể tiếp tục chứng kiến chuỗi ngày giảm giá sau khi tín hiệu giảm giá được hình thành.

Kỳ vọng về việc triển khai vắc-xin trên diện rộng và tâm lý risk-on đang khiến vàng dần mất đi sự "lung linh". Vàng tiếp tục giảm ngày thứ năm liên tiếp, đồng thời là chuỗi giảm dài nhất trong gần một năm qua.

Tiến độ sản xuất vắc-xin Covid-19 nhanh và tốc độ lây nhiễm chậm lại đang thúc đẩy sự lạc quan về mức tăng trưởng toàn cầu cùng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Từ đó, tạo thêm áp lực lên nhu cầu nắm giữ vàng thỏi, vốn đã giảm hơn 5% trong năm nay.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda Corp cho biết, lợi suất trái phiếu toàn cầu tăng mạnh đã giáng một đòn "chí mạng" vào vàng. Đồng thời, lợi suất trái phiếu chính phủ thúc đẩy sự phấn khích của nhà đầu tư và điều này mang lại nhiều bất lợi cho nhiều loại tài sản trú ẩn an toàn như vàng.

Theo nhà phân tích Kathy Lien, các nhà giao dịch Hoa Kỳ đã trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần dài để sẵn sàng cho một tuần giao dịch bận rộn.

Các nhà đầu tư đã đẩy cổ phiếu lên mức cao kỷ lục mới, và lẽ ra động thái này phải làm yếu đi đồng USD. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất mạnh hơn dự kiến ở khu vực New York (Mỹ) đã thúc đẩy khẩu vị rủi ro.

Sự phục hồi bền vững của USD và thị trường chứng khoán giờ đây sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của doanh số bán lẻ. 

USD Index - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,46% lên 90,920 điểm sáng nay.

Đối với thị trường vàng trong nước, tính đến 9h30 sáng nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại Công ty SJC ở mức giá 56,3- 56,8 triệu đồng/lượng (mua-bán), giảm khoảng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với đóng phiên sáng qua. 

Tuy nhiên, sáng nay, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở mức hơn 7,2 triệu đồng/lượng (chưa loại trừ phí, thuế), tính theo tỷ giá quy đổi tại Ngân hàng Vietcombank là 23.090 đồng/USD. 

Ngày 18/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng tỷ giá trung tâm 10 đồng/USD, lên 23.133 đồng/USD. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại lại giảm giá 10 đồng/USD.

Cụ thể, Eximbank mua vào còn 22.900 – 22.920 đồng/USD và bán ra 23.090 đồng/USD; Vietcombank mua vào 22.880 – 22.910 đồng/USD và bán ra 23.090 đồng/USD.

Đối với USD trên thị trường tự do lại nhảy vọt, tiến gần đến 24.000 đồng/USD. Nguyên nhân USD tăng mạnh đến từ giá vàng trong nước cao hơn thế giới 7 triệu đồng/lượng tùy theo loại vàng miếng hay nữ trang.

Thế nhưng, tình hình chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao có khả năng sẽ duy trì đến qua ngày Thần tài (mùng 10 Tết Nguyên đán).

Tin liên quan
Tin khác