Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát ở Kinh Môn (Hải Dương) |
Khi giá xăng dầu giảm, những nhóm ngành được chú ý đầu tiên thường là vận tải và công nghiệp. Điều này cũng là lẽ thông thường, bởi những doanh nghiệp trong các ngành này có chi phí sử dụng xăng dầu rất lớn trong cơ cấu chi phí đầu vào.
Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, ngành công nghiệp thường được chú ý nhiều hơn bởi có nhiều doanh nghiệp niêm yết, trong đó có những cổ phiếu thuộc hàng blue - chips. Với ngành này, tỷ trọng sử dụng xăng dầu có thể khác nhau giữa các doanh nghiệp, nhưng bình quân, khi giá xăng giảm 10% sẽ giúp chỉ số giá sản xuất giảm khoảng 1,79%.
Ông Nguyễn Đắc Hướng, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Đầu tư Vinafins cho biết, hiện các doanh nghiệp ngành vận tải niêm yết chưa nhiều, nên nhóm ngành này chưa phải là tâm điểm chú ý và động thái nhóm cổ phiếu này cũng ít tác động đến diễn biến chung của thị trường. Một số doanh nghiệp vận tải đã niêm yết thường có thanh khoản rất thấp, cổ phần chủ yếu nằm trong tay các cổ đông nước ngoài và các cổ đông lớn, nên cũng không được công chúng quan tâm nhiều.
Trong khi đó, rất nhiều cổ phiếu nằm trong tốp cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường là đại diện của ngành công nghiệp. Đó là những cái tên quen thuộc như VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk), KDC (Công ty cổ phần KIDO), MSN (Công ty cổ phần Tập đoàn Masan), HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát), REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh)...
Chẳng hạn, đưa ra đánh giá về tiềm năng của Hòa Phát, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát năm 2015 đạt 26.965 tỷ đồng và 3.328 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận từ thép có thể đóng góp khoảng 80% vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn trong năm 2015. Theo đó, giá hợp lý của HPG theo đánh giá của BVSC có thể phải ở mức trên 44.280 đồng/cổ phiếu, cao hơn khá nhiều so với mức khoảng 35.000 đồng hiện nay.
Ngoài những ảnh hưởng có thể tác động từ giá xăng giảm, ngành công nghiệp còn có tín hiệu phục hồi sản xuất nhờ đà phục hồi mạnh của nền kinh tế. Có thể nhìn thấy phần nào tín hiệu này qua các số liệu nhập khẩu máy móc, thiết bị thời gian qua.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng... từ đầu năm 2015 đến giữa tháng 7/2015 đạt 15,154 tỷ USD, tăng tới 35% so với cùng kỳ năm trước và là một trong những mặt hàng nhập khẩu có tốc độ tăng mạnh nhất. Giá trị các mặt hàng máy móc, thiết bị cũng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 25% trong tổng giá trị kim ngạch tất cả các mặt hàng nhập khẩu.
Trong khi đó, hoạt động của khối doanh nghiệp ngành công nghiệp cũng đang phát đi tín hiệu rất lạc quan. Số liệu thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, có tới 66 doanh nghiệp ngành công nghiệp niêm yết trên HNX lãi 391 tỷ đồng trong quý II/2015. Số liệu này lấy từ con số thông kê báo cáo tài chính quý II/2015 đối với các doanh nghiệp không phải là công ty mẹ hoặc là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị kế toán trực thuộc.
Theo số liệu báo cáo tài chính quý II/2015 đã được công bố của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đạt 912,5 tỷ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 175 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh lãi quý II/2015, chiếm 88,8%, giá trị lãi đạt 1.002 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất, đã đóng góp tới 39% tổng giá trị lãi của các doanh nghiệp trên HNX.