Đầu tư và cuộc sống
Giấc mơ có thật với "cô gái vàng của làng Sinh học"
Dương Ngân - 28/07/2021 16:18
“Đừng bao giờ từ bỏ. Hôm nay khó khăn, ngày mai có thể tồi tệ. Nhưng ngày kia sẽ có nắng”.

Đó là câu nói của tỷ phú Jack Ma mà cô học trò nghèo Nguyễn Thị Thu Nga luôn yêu thích và cũng lấy đó làm động lực, quyết tâm vượt khó để mang về chiếc huy chương Bạc danh giá tại Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2021.

Nguyễn Thị Thu Nga chụp ảnh cùng người mẹ thứ 2, cô giáo Vũ Thị Hạnh sau khi dành tấm Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2021.

Trưởng thành từ gian khó

Để có được thành tích như ngày hôm nay, Nga đã trải qua một hành trình đặc biệt.

Do bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi 3 chị em ăn học. Cũng vì hoàn cảnh gia đình, thương mẹ vất vả, cả 3 chị em Nga luôn nỗ lực, cố gắng học tập và đạt được nhiều thành tích xuất sắc.

Chị gái Nga hiện là sinh viên Trường Đại học Y Thái Nguyên, em trai là học sinh của trường THCS Sơn Vy và đã thi đậu trường THPT Long Châu Sa.

Vừa tranh thủ giúp mẹ việc đồng áng, Nga vừa tự mày mò, học hỏi và trong suốt những năm học tại trường THCS, nhiều năm liền Nga đều đạt được rất nhiều thành tích xuất sắc.

Nga luôn quyết tâm, tự nhủ mình phải cố gắng học tập, với mong muốn thay đổi cuộc sống. Đặc biệt, năm học lớp 9, em đã giành giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học và được tuyển thẳng vào lớp 10 chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Hùng Vương- ngôi trường nổi tiếng, được cả nước biết tiếng.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, nghĩ gia cảnh nhà mình khó khăn nên Nga chọn học ở Trường THPT Long Châu Sa gần nhà mà không tới trường chuyên Hùng Vương để học.

Và cũng từ đây cơ duyên để Nga và cô giáo Hạnh bắt đầu. Khi thấy danh sách học sinh nhập học không thấy cái tên Nguyễn Thị Thu Nga, cô giáo Vũ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ Sinh học của Trường THPT chuyên Hùng Vương đã lặn lội tới tận nhà Nga để thuyết phục cô học trò nghèo nhập học.

Khi biết về hoàn cảnh của Nga, bản thân cô Hạnh cũng là mẹ đơn thân vì chồng mất sớm, đang một mình nuôi 2 con, nên cô đồng cảm với hoàn cảnh của mẹ con Nga và thuyết phục em chuyển về nhà cô ở, để tiện theo học tại Trường chuyên Hùng Vương.

Sau nhiều giờ thuyết phục, cuối cùng Nga cũng đồng ý đi học với lá đơn nộp hồ sơ đầy nước mắt. Khi về sống với cô Hạnh, cô xem Nga như con trong nhà, lo cho Nga từ học hành đến sinh hoạt. Mẹ con, cô trò có gì ăn nấy, có gì dùng nấy.

Nga nhớ mãi không quên được bát chè đỗ đen mát lạnh cô Hạnh đã nấu cho em ngay sau khi em chỉ vô tình than mệt không muốn ăn cơm.

Không phụ lòng mong mỏi của cô, trong kỳ thi chọn học sinh vào đội tuyển quốc gia môn Sinh học năm học 2018 - 2019 của Phú Thọ, Nga đã đạt số điểm cao nhất, khi mới chỉ là học sinh lớp 10.

Tiếp đó, Nga giành giải Nhì ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và được chọn vòng 2 đội tuyển đi thi quốc tế và là trường hợp đầu tiên lọt vào vòng này khi mới là học sinh lớp 10, nhưng năm đó Nga chỉ dừng lại ở vòng 2. Cũng trong năm học lớp 10, Nga đoạt huy chương Vàng Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ mở rộng.

Năm lớp 11, Nga đoạt giải Nhì kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và lọt vào top 4, trở thành thành viên chính thức thi Olympic quốc tế Sinh học 2020.

Dù khi đó chỉ đoạt giải Khuyến khích nhưng theo các thầy cô bồi dưỡng đội tuyển, Nga là học sinh rất có tiềm năng. Và Nga đã chứng minh năng lực thực sự với tấm Huy chương Bạc ở kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2021 năm nay.

Kể về hành trình để thu được trái ngọt như hôm nay Nga cho biết, do rất thích tỷ phú Jack Ma và phương châm vượt khó khăn để đạt thành quả của vị tỷ phú này nên dù ở trong hoàn cảnh nào cô cũng luôn dùng hết sức lực bản thân.

Nga chia sẻ, em chỉ nghỉ ngơi khoảng 5-6 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại là học tập trên lớp, ôn bài ở nhà, thi thoảng dành cho niềm vui đá cầu hay đọc sách.

Và để có thể đổi màu được chiếc huy chương danh giá, em đã nỗ lực rất nhiều thời gian qua, dù khó khăn do dịch bệnh là không nhỏ.

Nga chia sẻ, khi dịch Covid-19 căng thẳng, để không ảnh hưởng tới quá trình ôn tập cũng như kết quả thi, cô và trò đã tập trung ôn chắc kiến thức cơ bản. Dành nhiều thời gian học, nghiên cứu thêm các tài liệu trên mạng đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thực trạng bệnh dịch, môi trường hiện nay.

Ngoài ra, do gần hai năm nay, diễn biến dịch Covid-19 căng thẳng, kỳ thi đã phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Ngoài kiến thức về môn thi, các thí sinh cũng cần thành thạo về máy tính.

“Em cũng từng gặp một chút khó khăn do chưa dùng máy thành thạo. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay em vừa ôn tập kiến thức, vừa học thêm kỹ năng dùng máy tính để khắc khắc phục hạn chế và không ảnh hưởng đến bài thi của mình”, Nga chia sẻ.

Ước mơ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng

Nga có tình yêu với môn Sinh từ khi học lớp 8 ở Trường THCS Lâm Thao (Phú Thọ). Đồng thời, chị gái Nga cũng là học sinh giỏi môn Sinh và thi đỗ ngành Y đa khoa, Đại học Y Dược Thái Nguyên khiến sự tò mò với Sinh học trong Nga càng lớn.

Đồng thời, quá trình nghiên cứu môn Sinh, Nga tìm kiếm được niềm vui, phát hiện ra được nhiều ứng dụng thực tế từ môn Sinh học liên quan đến cơ thể con người, khiến Nga càng học càng thấy ham và đam mê. Cũng nhờ tình tình yêu, sự đam mê cháy bỏng đó đã giúp Nga gặt hái được trái ngọt như ngày hôm nay.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, nữ sinh Phú Thọ đang nghiêng phần lớn ý định sẽ theo học ngành Bác sỹ đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội. Nga chia sẻ em rất muốn trở thành một bác sĩ giỏi trong tương lai để có thể chữa bệnh cứu người, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn.

Những ngày qua, chứng kiến những sự dấn thân, nỗ lực của các y bác sĩ trong công cuộc chống dịch Covid-19, Nga càng kiên định hơn với quyết định của mình. “Em nghĩ rằng trở thành bác sĩ mình có thể giúp đỡ được cho rất nhiều người khó khăn. Trước đại dịch, các y bác sĩ càng vất vả. Xem những hình ảnh đó, em thực sự rất cảm động và càng muốn theo đuổi con đường này”, Nga chia sẻ.

Khi được hỏi là học Y sẽ rất vất vả, thời gian học kéo dài hơn những ngành khác em có lo lắng không, Nga cười hiền đáp, có một số anh chị, cô bác đi trước cũng khuyên em đừng theo y đa khoa vì con gái học đa khoa vất vả. Nhưng em đối với em những gì em đã đam mê thì không ngại khó khăn.

Đặc biệt, tình hình dịch bệnh phức tạp, em thấy những hi sinh của các y bác sĩ em càng khâm phục, trân trọng ngành mà mình đã lựa chọn để theo đuổi đam mê.

Với câu hỏi về việc học trường Y quá vất vả nhiều sinh viên đã không trụ được sau một thời gian nhập học, Nga cho hay, những khó khăn em đã đối diện trong suốt thời gian qua tuy không phải lớn lao hay đặc biệt gì song đã rèn luyện cho em bản lĩnh vượt khó, kiên trì với mục tiêu đặt ra.

Nga tự nhủ, sau khi nhập học ở Đại học Y Hà Nội, Nga sẽ cố gắng, nỗ lực học thật tốt trong những năm học ở Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời trau dồi kiến thức tiếng Anh, các kỹ năng mềm khác để trở thành một bác sĩ đầy tự tin trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác