Đòi hỏi nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu
Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhận định, nhu cầu 50.000 người có trình độ ĐH trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn là bài toán không dễ.
Đào tạo nhân lực lĩnh vực này cần chú trọng theo hướng rộng, sâu, cao; nhân lực được đào tạo phải đạt được trình độ cao và chuyên môn sâu. Vì vậy, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác doanh nghiệp. Các trường cần đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học; xây dựng phòng thí nghiệm phù hợp…
Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. |
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho biết, đơn vị đang đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn.
Trong giai đoạn 2023-2030, ĐH Quốc gia TP.HCM đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch với chỉ tiêu 1.800 kỹ sư và 500 thạc sĩ ngành thiết kế vi mạch. ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xây dựng chương trình giảng dạy hiện đại, cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho khoảng 15.000 kỹ sư.
Mùa tuyển sinh năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM đi đầu trong việc mở ngành đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn với 3 đơn vị là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Công nghệ Thông tin. ĐH Đà Nẵng có các đơn vị tuyển sinh ngành này gồm Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật.
Mùa tuyển sinh 2024 có nhiều trường ĐH mở thêm khoa đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn. |
Các cơ sở giáo dục ĐH khác cũng tuyển sinh ngành vi mạch, bán dẫn như Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Phenikaa, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp).
Nhìn nhận các cơ sở đào tạo, các ĐH đều đang nâng dần quy mô đào tạo nhân lực ngành này nhằm giải "cơn khát" cho các doanh nghiệp. Song theo PGS.TS Nguyễn Văn Quy, giảng viên Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội), việc đào tạo phải thực hiện dần dần, đảm bảo chất lượng thay vì chạy đua theo ngành đang hot này.
Không vì ngành hot mà “chạy đua” vào
PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa khuyến khích thí sinh tìm hiểu về ngành công nghệ bán dẫn bởi trước mắt ngành này có nhu cầu nhân lực khá cao, cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên không phải vì là ngành hot mà "chạy đua" vào, bỏ qua các yếu tố khác.
“Trước hết, các em hãy xem mình có thích ngành đó không, có năng lực không, có phát triển không, học phí phù hợp không, điểm chuẩn phù hợp không? Các em tự xác định bản thân, sau đó mới chọn ngành", ông Khánh nhấn mạnh.
Điểm khó khi đào tạo ngành học này là yêu cầu về mặt công nghệ rất cao và chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, nghiên cứu rất lớn, nhiều cơ sở giáo dục rất khó để tạo dựng, do đó, cần sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ và các doanh nghiệp, TS Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Cơ Điện Hà Nội cho biết.
Chi phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, nghiên cứu ngành bán dẫn rất lớn. |
Theo khảo sát của Cộng đồng vi mạch Việt Nam, mức lương của các chuyên gia trong ngành có 15-20 năm kinh nghiệm ở ngưỡng 1,3-1,5 tỷ/ năm.
"Với mức lương này, các trường đại học Việt Nam hiện nay hoàn toàn chưa thể thu hút được", đại diện bộ môn Kỹ thuật máy tính viễn thông, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay.
Ngoài ra, đơn vị này cũng chỉ ra vấn đề về cơ sở vật chất yêu cầu nguồn kinh phí lớn. Các phần mềm và thiết bị đo kiểm chuyên dụng rất đắt tiền và liên tục phải cải tiến nâng cấp, do vậy, việc đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho ngành này vô cùng tốn kém và không hiệu quả về mặt kinh tế.
"Để có thể đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần phải có sự phối hợp của "3 nhà": Nhà nước - nhà trường và nhà tuyển dụng. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ quá trình đào tạo và cơ sở vật chất. Nhà trường cần có những ưu đãi đặc biệt để thu hút nhân tài trong lĩnh vực này. Nhà tuyển dụng hay doanh nghiệp hỗ trợ về công nghệ và tài nguyên phục vụ công tác đào tạo", phía đơn vị đào tạo này cho hay.