Đây là vấn đề mà các chuyên gia, nhà khoa học nêu ra tại hội thảo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ diễn ra vào chiều 12/5 tại TP.HCM.
Việc tổ chức hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến góp ý từ các chuyên gia, nhà khoa học để giải quyết bài toán vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo được môi trường khi xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Cù Lao Phú Lợi nơi được đề xuất xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. |
Trình bày tóm tắt dự án, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast - đơn vị tư vấn), cho biết cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93 ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82 ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu.
Một trong những lo ngại được nêu ra tại dự án này là khi xây dựng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nơi được coi như lá phổi xanh của TP.HCM.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn cho biết, cảng trung chuyển container quốc tế Cần Giờ thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nằm trong vùng chuyển tiếp trên 2 cù lao cách vùng lõi khu dự trữ bằng sông Thêu rộng khoảng 1 km2.
Khu vực này khá biệt lập, không ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Trong quy chế, khu vực chuyển tiếp vẫn được phép xây dựng ở mức độ phù hợp.
Theo ông Tuấn, với tính chất cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải bằng đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối.
Dự kiến từ nay đến năm 2030, mọi hoạt động giao thông kết nối đều sử dụng đường thủy. Sau năm 2030, các tuyến đường bộ kết nối thực hiện theo quy hoạch của TP.HCM, đề xuất làm đường trên cao kết nối với đường Rừng Sác để giảm tối đa tác động đến môi trường.
Một vấn đề nữa mà các chuyên gia lo ngại khi xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là sự tác động rác thải, khí thải sẽ làm ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Về vấn đề này ông Tuấn thông tin, nhà đầu tư đã cam kết áp dụng công nghệ theo mô hình cảng xanh nhằm giảm khí thải, chất thải và có phương án sử dụng, khai thác hợp lý, phòng ngừa các sự cố môi trường. Đối với diện tích gần 83 ha rừng bị ảnh hưởng, các đơn vị liên quan sẽ thực hiện trồng rừng thay thế.
Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đặt vấn đề là làm sao hình thành được dự án cảng lớn, nhưng vẫn giữ được môi trường và tạo đột phá, biến Cần Giờ thành một cực phát triển.
Ông Lịch cho rằng, điểm thuận lợi ở dự án này là vị trí mà nhà đầu tư lựa chọn và vị trí mà Nhà nước quy hoạch đã gặp được nhau.
"Các đơn vị thực hiện không nên suy nghĩ cảng Cái Mép - Thị Vải là của Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ là của TP.HCM mà 2 cảng này cần được xem là cảng trung tâm của vùng Đông Nam Bộ và cả quốc gia. Vì thế, vấn đề hiện nay không phải làm hay không làm mà phải làm nhanh nhất có thể để không bỏ lỡ cơ hội đưa Cần Giờ thành đô thị phát triển thật sự" ông Lịch nhấn mạnh.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC) đề xuất.
Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD.
Theo kế hoạch của nhà đầu tư dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, dự kiến triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.