Trong khi dưa hấu Quảng Nam đã bớt ế nhờ phong trào mua dưa giúp bà con nông dân bùng phát, thì hàng tấn hành tây Đà Lạt lại có nguy cơ phải đổ bỏ vì giá rẻ mạt, không có người mua.
Câu chuyện bí đầu ra của nông sản hầu như năm nào cũng tái diễn và cộng đồng mạng, người tiêu dùng trong nước phải nhiều lần tham gia “giải cứu” nông sản. Ngoài phong trào mua dưa hấu ở Hà Nội, năm 2014, phong trào tiêu thụ vải giúp nông dân các tỉnh phía Bắc, tiêu thụ cà chua giúp Đà Lạt… cũng rộ lên ở TP.HCM.
Tình trạng nông sản “được mùa - mất giá” đã cho thấy những bất cập về quy hoạch, sản xuất và tiêu thụ của địa phương cũng như cơ quan quản lý. Đây cũng là lý do Bộ Công thương bị chê nhiều hơn khen, khi mới đây mua giúp nông dân 14 tấn dưa để bán ngay tại trụ sở Bộ, bởi cái mà người dân cần là chính sách dài hơi, những thị trường lớn, chứ không phải là bán lẻ chục tấn dưa.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, câu chuyện dưa hấu, hành tây, thanh long, vải thiều… hầu như năm nào cũng tái diễn đã cho thấy 3 bất cập lớn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Thứ nhất, công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu còn kém. Hiện nhiều loại nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, đi bằng con đường tiểu ngạch, vừa giá thấp, vừa rủi ro cao và thường xuyên rơi vào cảnh quá tải, bị ép giá. Trong khi đó, Bộ Công thương - được giao nhiệm vụ lo đầu ra cho sản phẩm - nhiều năm nay vẫn chưa thể giúp nông dân có thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới.
Thứ hai, mạng lưới phân phối trong nước đang có vấn đề. Việc này cũng thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Hiện nay, giá dưa bán tại ruộng của nông dân là 1.000 - 2.000 đồng/kg, dưa xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ bán với giá 5.000 - 7.000 đồng/kg, trong khi giá dưa bán tại các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội lên tới 15.000 - 17.000 đồng/kg. Cả nước có hàng ngàn chợ, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng rất lớn và người dân rất muốn ủng hộ hàng Việt, song hàng nông sản vào các kênh này phải qua quá nhiều kênh trung gian, khiến giá đội lên hàng chục lần.
Thứ ba, công tác quản lý quy hoạch và định hướng sản xuất cho người nông dân đang còn yếu. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương. Nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có dự báo chính xác về nhu cầu thị trường, đưa ra quy hoạch đúng đắn, các địa phương không để người dân phá vỡ quy hoạch…, thì tình trạng bấp bênh trong tiêu thụ nông sản sẽ giảm bớt.
Thống kê cho thấy, tại nhiều tỉnh, diện tích cao su, cà phê, sắn, mía, thanh long, vải, dưa hấu… đều tăng rất nhanh, vượt xa quy hoạch. Đơn cử, tại Bình Thuận, diện tích trồng thanh long đã lên tới 22.000 ha, trong khi quy hoạch đến năm 2015 chỉ có 15.000 ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhiều lần nhắc nhở các địa phương về vấn đề phá vỡ quy hoạch, nhưng tình trạng này vẫn liên tiếp xảy ra, vì nông dân không làm theo khuyến cáo. Nói cách khác, tình trạng phá vỡ quy hoạch, ế thừa nông sản cũng một phần do lỗi của người nông dân.
Rõ ràng, nếu không có những biện pháp dài hơi, như xốc lại hệ thống phân phối trong nước, mở thêm thị trường xuất khẩu, hướng dẫn nông dân rải vụ (không xuống giống dồn dập), thực hiện nghiêm quy hoạch, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản…, thì cảnh nông sản ế ẩm sẽ còn tái diễn.
Trong các giải pháp trên, mở rộng thị trường xuất khẩu không phải là chuyện đơn giản. Tuy nhiên, nếu tiếp thị đúng cách, nông sản Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội. Câu chuyện Bộ trưởng Bộ trưởng Nông nghiệp và Thực phẩm Canada đến Việt Nam để tiếp thị bán thịt bò, hay Thống đốc bang Washington (Mỹ) đến nước ta để chào mời mua khoai tây… đã cho thấy, vai trò của tổng tư lệnh các ngành trong xúc tiến thị trường nông sản là rất lớn. Tất nhiên, để làm được điều này, lãnh đạo các bộ phải học cách trở thành những nhà tiếp thị cấp quốc gia.