VNPT-IT: “Chân trời mới” của VNPT
Theo Quyết định 2129/QĐ-TTg phê duyệt phương án cơ cấu lại VNPT, trong giai đoạn 2018 - 2020, Công ty Công nghệ thông tin VNPT (VNPT-IT) hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ VNPT được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị quản lý, sản xuất - kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) của VNPT và Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo.
Dù vẫn lấy viễn thông, hạ tầng làm mảng chủ lực, VNPT cũng đã chuyển đổi mạnh sang các trụ cột mới như CNTT, sản xuất công nghiệp |
Theo lãnh đạo VNPT, việc thành lập VNPT-IT nằm trong lộ trình, kế hoạch và tình hình thực tế hoạt động của VNPT nhiều năm qua. Ngay từ khi thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015 theo Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Theo đó, viễn thông, hạ tầng vẫn là mảng chủ lực, nhưng VNPT đã chuyển đổi mạnh sang các trụ cột mới như CNTT, sản xuất công nghiệp.
Phần vốn góp của VNPT ở Công ty cổ phần Truyền thông (VMG), Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT (VNPT-EPAY), Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (Napas), Công ty cổ phần Phát triển dịch vụ học tập và giải trí trực tuyến VDC (VDC-Net2E), Công ty cổ phần Truyền thông Quảng cáo đa phương tiện (SMJ) được chuyển về Tổng công ty VNPT-Media quản lý.
Sáp nhập Công ty cổ phần Vật tư Bưu điện (Potmasco) vào Công ty cổ phần Cokyvina, sáp nhập Công ty cổ phần KASATI vào Công ty cổ phần Viễn thông -Tin học Bưu điện CT-IN và tăng tỷ lệ vốn góp của VNPT tại CT-IN đạt mức trên 35% vốn điều lệ...; sáp nhập Bệnh viện Phục hồi chức năng Bưu điện (tại TP. Hải Phòng) vào Bệnh viện Bưu điện (tại Hà Nội); giải thể Văn phòng đại diện VNPT tại TP.HCM theo quy định.
Từ nay đến năm 2022, VNPT tiếp tục lộ trình thoái vốn ở 45 doanh nghiệp. Trong đó, 41 doanh nghiệp thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020.
Nguồn: Quyết định 2129/QĐ-TTg
Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, CNTT đang trở thành một trong 4 trụ cột chính của VNPT. “Quan điểm làm CNTT đã được truyền đạt đến từng người lao động của VNPT từ những năm 2014-2015. Những người đang sôi sục làm CNTT tại VNPT khám phá ra đây là “chân trời mới” của VNPT”, ông Long cho biết.
Đầu năm 2018, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT đã khẳng định, VNPT đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ viễn thông CNTT. Sau 3 năm tăng tốc phát triển mảng CNTT, VNPT đã trở thành đối tác chiến lược về viễn thông - CNTT với 52/63 tỉnh/thành phố. Đến năm 2017, VNPT đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng Thành phố Thông minh tại 17 tỉnh/thành phố.
Cụ thể, cuối tháng 10/2017, VNPT và UBND huyện đảo Phú Quốc đã công bố hoàn thành giai đoạn I Đề án Xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc và Phú Quốc chính thức vận hành và hoạt động như một Smart City. Tiếp đó, VNPT đã hoàn thành Đề án Đô thị thông minh cho TP.HCM và hoàn thành Đề án Du lịch thông minh cho TP. Hà Nội. Tập đoàn cũng đã giới thiệu các giải pháp CNTT cho các bộ, ban, ngành.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp CNTT của VNPT đã được đón nhận rộng rãi và được khách hàng đánh giá cao. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai và hiện diện ở 61/63 tỉnh/thành phố, Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành (VNPT-iOffice) tăng gấp 4 lần so với năm 2016, Phần mềm Một cửa điện tử (VNPT-iGate) tăng gấp 3 lần so với 2016, Cổng thông tin điện tử (vnPortal) tăng gấp 1,2 lần so với năm 2016...
Tái lập VNPT Global để tiến ra thế giới
Cùng với việc thành lập VNPT-IT, Quyết định 2129/QĐ-TTg cũng cơ cấu lại hoạt động kinh doanh quốc tế của Công ty Viễn thông Quốc tế (VNPT-I), đồng thời, nghiên cứu thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global) do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ khi đủ điều kiện để đầu tư kinh doanh ở thị trường quốc tế sau khi hoàn thành cổ phần hóa Công ty mẹ - VNPT.
Nếu việc thành lập VNPT-IT là “nước chảy thành sông”, thì việc thành lập VNPT Global là câu chuyện khác. Thực ra, tháng 1/2008, VNPT đã thành lập VNPT Global với 3 cổ đông chính (VNPT chiếm 90% vốn, MobiFone và VNPost mỗi đơn vị 5% vốn góp). VNPT Global có 5 công ty thành viên, đặt trụ sở ở nước ngoài. Năm 2014, khi thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg, VNPT Global được chuyển sang MobiFone.
Như vậy, việc thành lập mới VNPT Global thực chất là “tái lập” VNPT Global, tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, đầu tư ra nước ngoài, thực hiện chiến lược trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và CNTT hàng đầu trong khu vực. Quyết định 2129/QĐ-TTg cũng sẽ chuyển giao phần vốn của VNPT tại VNPT Global HK, ACASIA-Malaysia, ATH-Malaysia, Liên doanh Stream Net Myanmar (thành lập tháng 10/2017) về VNPT Global.
“VNPT sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài tại một số thị trường như châu Á và châu Âu theo định hướng không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mà sẽ kết hợp với việc cung cấp và chuyển giao sản phẩm công nghệ, sản phẩm công nghiệp, cũng như các dịch vụ CNTT, chính phủ điện tử”, ông Phạm Đức Long cho biết.