Nhà đầu tư đang đổ xô tìm mua các lô đất dọc 2 bên tuyến đường liên thôn của xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) |
Bỗng dưng đất lên tiền tỷ
Nhiều người dân cho biết, các lô đất được khách tìm mua chủ yếu là những lô đất vườn có vị trí sát biển và các lô mặt tiền đường liên thôn, đặc biệt là đất đã qua đấu giá dọc hai bên tuyến đường nối từ thôn Bắc Hòa đến thôn Tân Hải.
Có mặt tại khu vực thôn Tân Hải vào những ngày đầu tháng 3, không khí tại đây khá náo nhiệt khi có hàng chục chiếc ô tô con liên tục ra vào thôn. Dọc hai bên tuyến đường đất liên thôn từ Tân Hải đến Bắc Hòa, nhiều tấm bảng rao bán đất kèm số điện thoại liên lạc đã được cắm lên để người mua có thể liên hệ.
Anh Lê Xuân Hùng, một nhà đầu tư cho biết, hiện nay mức giá đất tại một số khu vực của xã Ngư Thủy Bắc đã bằng, thậm chí còn cao hơn so với giá đất tại một số khu vực lân cận trung tâm TP. Đồng Hới, trong khi hạ tầng, các tiện ích thiết yếu (yếu tố tạo nên giá trị của bất động sản) đi kèm hoàn toàn không có gì.
Cụ thể, một lô đất tại khu tái định cư thôn Tân Hải được định giá từ 2,1 đến 2,4 tỷ đồng đối với dãy đầu tiên thuộc mặt tiền đường liên thôn; khoảng từ 1,6 đến 1,9 tỷ đồng đối với các lô đất thuộc dãy 2 khu tái định cư (diện tích các lô tái định cư từ 187,5 m2 đến 357,5 m2). Trước đó, giá niêm yết của khu tái định cư này chỉ tầm 300 triệu đến 900 triệu đồng mỗi lô, tùy diện tích.
Ngược về phía Bắc tuyến đường liên thôn khoảng 1 km, tại khu vực thôn Bắc Hòa, các lô đất dọc 2 bên đường tại đây được rao bán có giá từ 1,5 đến 1,7 tỷ đồng mỗi lô. Trong khi trước đó vài tháng, giá bán chỉ từ 100 đến hơn 200 triệu đồng mỗi lô. Không chỉ tìm mua đất mặt tiền, giới đầu tư còn săn tìm các lô đất vườn sát biển tại xã Ngư Thủy Bắc với giá 2-3 triệu đồng/m2.
Chị Lê Thị Thanh T., trú tại thôn Tân Hải cho biết, cách đây 10 năm, vợ chồng chị mua được một lô đất tái định cư diện tích 300 m2, thuộc dãy 2 mặt tiền đường liên thôn, cách trụ sở UBND xã Ngư Thủy Bắc khoảng 1 km với giá 27 triệu đồng. Trong cơn sốt đất hiện nay, lô đất của chị liên tục được nhiều người hỏi mua lại. Vừa rồi, sau khi cân nhắc, thương lượng với một người khách, vợ chồng chị T. quyết định bán lại lô đất nói trên với giá 1 tỷ 650 triệu đồng.
Trò chơi của giới cò đất
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần khách đến hỏi mua đất là người trong huyện, có một số ít đến từ TP. Đồng Hới và từ các tỉnh phía Bắc.
Được biết, mới đây tỉnh Quảng Bình đã thông tin về việc triển khai dự án đầu tư tuyến đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3. Theo đó, đường ven biển thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 được đề xuất đầu tư với tổng mức 2.200 tỷ đồng, triển khai từ năm 2021 - 2026 tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và TP. Đồng Hới. Tuyến đường này thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III với bề rộng nền đường 12m, bề rộng mặt cắt đường xe cơ giới 7m, bề rộng lề gia cố 4m, bề rộng lề đất 1m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Thông tin về việc đầu tư tuyến đường ven biển nói trên chính là căn nguyên dẫn đến việc một số nhà đầu tư nơi khác đổ về khu vực ven biển xã Ngư Thủy Bắc để tìm mua đất nhằm đón đầu quy hoạch khi tuyến đường mới này dự kiến đi trùng tuyến với đường liên thôn xã Ngư Thủy Bắc hiện nay.
Những người dân ở đây cho biết, chỉ số ít khách có nhu cầu đầu tư thực, họ tìm mua đất để đón đầu cơ hội khi dự án đường ven biển đi qua đây sắp triển khai, còn phần đông là giới đầu cơ hoặc cò đất địa phương, hỏi mua nhưng chỉ để “lướt cọc” ăn chênh lệch. Đối với trường hợp này, khi không tìm được khách “lướt cọc”, một số người chấp nhận giải pháp bỏ cọc hoặc thương lượng với chủ đất xin lại tiền cọc.
Có thể thấy, việc tạo ra cơn sốt đất tại đây có vai trò không nhỏ của một số cò đất hay giới đầu cơ địa phương khi nhóm này gom tiền đi đặt cọc đất để tạo sốt ảo, đẩy giá lên nhằm lôi kéo nhiều người mua lại. Điều này gây ra nguy cơ mất an ninh trật tự trên địa bàn và các hệ lụy khác về lâu về dài cho đời sống người dân địa phương.
Ông Phan Quốc Sỹ, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Địa ốc Trường An phân tích kỹ hơn về vấn đề này: “Người môi giới đặt cọc cho chủ đất một ít tiền rồi mua qua bán lại với nhau để đẩy giá đất lên. Thấy giá đất lên nhanh, nhiều nhà đầu tư, thậm chí là cả người dân địa phương không am hiểu bản chất thị trường vội vàng mua lại với giá cao và mắc kẹt ở đó. Trong khi nhóm đầu cơ và cò đất thì đã ôm tiền lời rút lui”.
Về phía chính quyền địa phương, ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết, xã đã nắm được thông tin có hiện tượng mua đi bán lại đất tại địa phương, song đây là các giao dịch dân sự không vi phạm pháp luật nên chính quyền không cấm.
“Chính quyền địa phương đã có khuyến cáo người dân khi bán đất nên mua đứt, bán đoạn để không bị người mua lợi dụng việc đặt cọc, sau đó bắt tay với các đối tượng khác sử dụng chiêu trò đẩy giá nhằm dụ dỗ việc bẻ cọc, đền cọc”, ông Trung nói.