- Ngân hàng chỉ cơ cấu cho các khoản nợ có khả năng phục hồi
- "DNNN nào có khả năng phục hồi mới tái cơ cấu, không thì phải xử lý luôn”
- PCI 2022: Gói hỗ trợ lãi suất ế, tỷ lệ doanh nghiệp tìm đến tín dụng "đen" tăng
- Gói hỗ trợ lãi suất “ế” 99,7%, NHNN lại thúc ngân hàng thương mại giải ngân
- Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Cử tri và Thống đốc đều kêu khó
Ngày 13/4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ đã họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc Tổ công tác số 1 là trên 38.319 tỷ đồng, bố trí cho 22 nhiệm vụ và 80 dự án (trong đó 34 dự án chuyển tiếp và 46 dự án khởi công mới).
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao cho năm 2023, Ngân hàng Nhà nước được giao 24.283 tỷ đồng. Số vốn Ngân hàng nhà nước được giao chiếm đa số trong tổng số vốn giao cho 17 bộ, ngành cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 1.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (Ảnh: Nhật Bắc) |
Trong số này, chỉ có 318,9 tỷ đồng là bố trí cho thực hiện công trình xây dựng cơ bản của ngành ngân hàng (xây dựng Nhà máy In tiền quốc gia và 2 công trình nhà ở của 2 trường Đại học ở Hà Nội và TP.HCM) và Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân được hơn 9%, vượt kế hoạch quý I/2023.
Số vốn còn lại 23.965 tỷ đồng là nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nằm trong gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã có khả năng phục hồi sau dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, quá trình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% không được như mong muốn, bởi nhiều nguyên nhân như quy định chưa sát, điều kiện thực tiễn đã thay đổi,…
Sau hai năm thực hiện, tổng giải ngân mới được 330/40.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần báo cáo nên chuyển nguồn này sang các chính sách khác, những lĩnh vực đang thiếu vốn để tận dụng nguồn lực đang dôi dư.
Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định tiêu chí cứng là "có khả năng phục hồi" - đây là điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi này. Tuy nhiên, cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đều rất khó xác định thế nào là "có khả năng phục hồi" cho nên rất khó thực hiện, Phó thống đốc Đào Minh Tú bày tỏ.
Trao đổi nội dung này, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại là giải pháp thông minh, sáng tạo. Nếu thực hiện thành công, nguồn tiền sẽ nhanh tới doanh nghiệp, người dân.
Tuy nhiên, đây là tiền ngân sách, đòi hỏi thủ tục phải chặt chẽ. Tiêu chí điều kiện "doanh nghiệp có khả năng phục hồi" rất trừu tượng, khó đánh giá, nên quá trình triển khai đã nảy sinh vướng mắc.
Phó thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại để "giải ngân tối đa có thể" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Nếu chuyển sang sử dụng cho chính sách khác thì phải làm rõ chính sách gì để đề xuất phương án cụ thể.