Hai năm qua, Chính phủ đã phải yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 và Nghị quyết 70/NQ-CP ngày 3/8/2017). Thưa bà, vì sao vậy?
Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm, ngoài những nguyên nhân cố hữu như giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu…, còn có nguyên nhân là Luật Đầu tư công và một số luật khác mới có hiệu lực như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng đưa ra nhiều quy định chặt chẽ liên quan đến phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, thỏa thuận ký kết hợp đồng…
Bà Vũ Thị Lưu Mai |
Theo quy định của Luật Đầu tư công, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án và kế hoạch đầu tư công có thêm một số trình tự, thủ tục mới như thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn; phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; lập, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn trước khi lập, giao kế hoạch đầu tư công hằng năm…
Về nguyên tắc, phải hoàn thành thủ tục theo trình tự từng bước, xong bước này mới thực hiện bước tiếp theo, nên chỉ cần chậm một khâu là kéo theo nhiều khâu phía sau sẽ bị chậm lại. Chính vì vậy, nhiều dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ khởi công mới trong năm 2017 cho đến tận quý IV vẫn chưa hoàn thiện được thủ tục phê duyệt dự án để giao kế hoạch vốn. Kết quả là, 11 tháng đầu năm mới giải ngân được 17,7% kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ.
Năm 2016 cũng nằm trong tình trạng tương tự, nên phải chuyển nguồn sang năm 2017 là 17.280 tỷ đồng, nhưng từ đầu năm đến nay mới giải ngân được 40% số vốn chuyển từ năm 2016.
Lần đầu tiên, vấn đề đầu tư công được luật hóa và có rất nhiều điểm mới, nhiều quy định rất chặt chẽ, nên triển khai có nhiều bỡ ngỡ, khiến tiến độ thực hiện công trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sau một thời gian, quản lý đầu tư công đi vào nề nếp, thì những vướng mắc này tự nhiên sẽ không còn. Tuy nhiên, nếu không quy định chặt chẽ về chuyển nguồn, thì giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục chậm.
Bà có thể giải thích rõ hơn vấn đề này?
Theo Luật Đầu tư công (Điều 76), thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau. Trường hợp đặc biệt, được cấp có thẩm quyền cho phép thì được kéo dài thời gian giải ngân, nhưng không quá kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Chính có quy định cho phép kéo dài thời gian giải ngân, nên nhiều chủ đầu tư có tâm lý “cơm không ăn thì gạo còn đấy”, cứ từ từ mà làm, vì kế hoạch vốn đã phân bổ rồi. Đáng lưu ý là, số tiền chuyển nguồn chủ yếu tập trung ở các dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi và những dự án khi trình chủ trương đầu tư, chủ đầu tư đều khẳng định là cần thiết, cấp bách, phải sớm triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nhưng với những dự án triển khai chậm do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như vướng do giải phóng mặt bằng, bị ảnh hưởng bởi bão lũ… nếu không cho kéo dài thời gian, thì sẽ dẫn đến đầu tư nửa chừng?
Chuyển nguồn phải có điều kiện cụ thể, phải có ràng buộc cụ thể với chủ đầu tư, phải có lý do chính đáng, chứ nếu chỉ quy định chung chung là thời gian giải ngân vốn đầu tư công hằng năm được kéo dài sang năm sau thì tôi e rằng, tình trạng chuyển nguồn không bao giờ chấm dứt và việc giải ngân vốn đầu tư công hằng năm vẫn nằm trong tình trạng không hoàn thành kế hoạch.
Theo tôi, chuyển nguồn chỉ nên áp dụng với một số trường hợp đặc biệt và phải có điều kiện cụ thể. Có thể quy định, thời gian giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công được phép kéo dài sang năm sau, nhưng chỉ được kéo dài tối đa trong thời gian bao lâu và dứt khoát không cho những dự án mà đến ngày 31/12 mới giải ngân được dưới 50% kế hoạch vốn giao từ đầu năm.
Quy định như vậy có ảnh hưởng tới dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, thưa bà?
Theo Luật Đầu tư công, thời gian giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm theo điều ước quốc tế về ODA và vốn vay ưu đãi ký kết với nhà tài trợ nước ngoài; phần vốn nước ngoài trong kế hoạch đầu tư công hằng năm được phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài.
Thực tế cho thấy, giải ngân vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài khiến bội chi ngân sách nhiều năm vượt trần cho phép, ảnh hưởng đến cân đối thu - chi hàng năm. Chính vì vậy, theo tôi, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, nên bỏ quy định này.
Tôi cho rằng, bỏ quy định “giải ngân theo tiến độ thực hiện và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ nước ngoài” không ảnh hưởng đến đầu tư công, vì vốn ODA đã cạn, còn vốn vay ưu đãi, khi đàm phán sẽ nói rõ vốn trong nước không giải ngân theo tiến độ, mà theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm.