Giải ngân tích cực
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước đến ngày 31/8/2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 299.447 tỷ đồng, đạt 42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 cả về tỷ lệ (tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm ngoái là 39,15% - PV) và về số tuyệt đối (cao hơn 87.000 tỷ đồng).
Trong đó, vốn trong nước là trên 292.186 tỷ đồng (đạt 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 7.260 tỷ đồng (đạt 25,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đáng chú ý, số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là hơn 33.840 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch Thủ tướng giao.
Nếu tính riêng trong tháng Tám, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là trên 46.092 tỷ đồng. Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là tháng thứ 4 liên tiếp số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40.000 tỷ đồng, một con số tích cực.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, trung bình mỗi tháng giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 26.500 tỷ đồng/tháng.
Giải ngân đầu tư công đang được đẩy mạnh ở nhiều địa phương. |
Đáng mừng là, trong 8 tháng qua, có 10 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 45% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao.
Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà văn Việt Nam (81,6%); Hội Luật gia Việt Nam (68,97%); Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Long An (77,47%); Thành phố Hải Phòng (76,28%), Đồng Tháp (70,9%), Tiền Giang (66,63%); Tây Ninh (66,15%).
Tuy nhiên, vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (42,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nếu tính theo phân cấp đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của các địa phương cao hơn các bộ, cơ quan trung ương. Trong đó, nổi bật là các tỉnh ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng song Cửu Long có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, như Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đồng bằng sông Hồng có Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc…
Kết quả trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy các giải pháp đôn đốc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn; và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công trên cả nước đang phát huy hiệu quả, mang lại những tín hiệu tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.
Nhưng áp lực vẫn còn lớn, khó khăn còn nhiều
Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được về giải ngân vốn đầu tư công, việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023 còn những khó khăn, hạn chế cần có giải pháp khắc phục ngay để hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch năm 2023.
Trong đó, một trong những khó khăn lớn nhất đó là một số dự án, nhất là dự án cao tốc, đang vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung nguyên vật liệu dẫn đến một số địa phương bàn giao mặt bằng, cấp phép mỏ vật liệu chậm so với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; một số dự án vướng mắc về thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa…
Bên cạnh đó, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 còn lại đến thời điểm hiện nay chưa phân bổ chi tiết cho các dự án chiếm 7,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, chủ yếu là vốn ngân sách địa phương.
Nguyên nhân là do công tác lập kế hoạch chưa sát với tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, thị trường bất động sản chậm phục hồi dẫn đến nguồn thu sử dụng đất của địa phương không đạt kế hoạch, không có nguồn để phân bổ…
Hơn nữa, chủ trương về điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 vẫn chưa được triển khai thống nhất trong phạm vi cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội, đến nay đã có 5 địa phương (Yên Bái, Hải Dương, Hà Nam, Tây Ninh, Trà Vinh) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện điều chỉnh vốn giữa Chương trình Phục hồi và Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Yên Bái, Trà Vinh đã thực hiện giải ngân nguồn vốn điều chỉnh nêu trên.
Tuy nhiên, một số bộ, địa phương như Bộ Giao thông - Cận tải đã có đề xuất điều chỉnh vốn cho các dự án quan trọng quốc gia nhưng chưa được Bộ Tài chính chấp thuận điều chỉnh vốn.
Như vậy, việc cho phép phân bổ, giải ngân nguồn vốn điều chỉnh giữa Chương trình Phục hồi và Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong kế hoạch vốn năm 2023 là không thống nhất giữa các cơ quan tài chính ở trung ương, địa phương (có bộ, địa phương được điều chỉnh, giải ngân, có bộ, địa phương lại không được điều chỉnh).
Điều này gây khó cho việc giải ngân vốn đầu tư công nói chung, bao gồm cả vốn từ Chương trình Phục hồi và Kế hoạch đầu tư công.
Khắc phục các điểm yếu, tháo gỡ vướng mắc là giải pháp quan trọng trong lúc này để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi lẽ, vẫn còn hơn 400.000 tỷ đồng đang chờ được giải ngân từ nay tới cuối năm.