Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 9 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,7 điểm phần trăm so với 8 tháng, đạt 15,4 tỷ USD.
“Các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Các doanh nghiệp FDI đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam |
Việc vốn giải ngân tăng cao là chỉ dấu tích cực. Tuy vậy, tính đến ngày 20/9/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lại chỉ đạt hơn 18,7 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và biến động địa - chính trị toàn cầu, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng lần lượt là 29,9% và 1,9%.
Cụ thể, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 9 tháng, có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký với, với tổng vốn 7,12 tỷ USD, tăng 11,8% về số dự án so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 43% về số vốn.
Hàng loạt nguyên nhân đã được Cục Đầu tư nước ngoài chỉ ra để lý giải cho việc vốn đầu tư cấp mới giảm khá mạnh so với cùng kỳ.
Thứ nhất, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021, từ đó ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.
Thứ hai, thị trường toàn cầu đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của cuộc xung đột địa - chính trị tại châu Âu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam.
Và thứ ba, các tháng đầu năm 2022 không có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD như cùng kỳ năm 2021. Riêng các dự án này đã chiếm tới 62,3% tổng vốn đăng ký mới của 9 tháng năm 2021. Đặc biệt, trong đó có dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II có vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II có vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, 9 tháng năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 37,2% tổng vốn đầu tư của 9 tháng.
Tuy vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, điểm tích cực là số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm. Cụ thể, số dự án đầu tư mới trong tháng 9/2022 tăng 6,8% so với tháng 8 và 46,2% so với tháng 7/2022.
Trong khi vốn đăng ký mới giảm, thì vốn điều chỉnh và vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng. 9 tháng, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với 8,3 tỷ USD, tăng 13,4% về số lượt dự án và tăng 29,9% về số vốn.
Bên cạnh đó, có 2.697 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với 3,28 tỷ USD, giảm 4,7% về số lượt, nhưng tăng 1,9% về số vốn.
Các con số này là khá ấn tượng, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Chính vì vậy, họ đã không ngần ngại đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu tại Việt Nam.
Ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về đối tác đầu tư, Singapore vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,75 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2021; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,8 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, giảm 2,38% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Đan Mạch, Hồng Kông.