Giải ngân chậm, vì đâu?
“Mặc dù tiến độ giải ngân kế hoạch vốn từ tháng 4/2018 đã được cải thiện, lũy kế 7 tháng tăng so cùng kỳ năm 2017, nhưng về tổng thể, tiến độ thực hiện và giải ngân vẫn thấp, nhất là vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài”, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM chậm tiến độ, do đang làm thủ tục đề nghị tăng tổng mức đầu tư . Ảnh: Đức Thanh |
Nhìn trên cổng thông tin về đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khi một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60%, thì lại không ít bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, rất thấp, thậm chí chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Có thể “điểm mặt” 4 đơn vị chưa giải ngân tới thời điểm này, đó là Ban quản lý Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tỉnh Bình Thuận, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá.
Ông Trần Quốc Phương cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Chẳng hạn, những khó khăn trong tổ chức thực hiện; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tại Bộ Xây dựng…
Những vướng mắc trong thủ tục giải ngân cả vốn trong nước và vốn nước ngoài, cũng như phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… cũng là nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư phát triển còn chậm. Mặc dù vốn trái phiếu chính phủ bố trí cho Bộ Giao thông - Vận tải năm 2018 là 4.190 tỷ đồng, nhưng bộ này - lâu nay vốn có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn - chỉ đăng ký nhu cầu phân bổ 2.586 tỷ đồng, dư hơn 1.603tỷ đồng, khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách của các bộ, ngành, địa phương khác.
Không khó để kể ra những dự án còn chậm tiến độ của ngành giao thông. Chẳng hạn, Dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM đang bị ảnh hưởng bởi Dự án Đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Tham Lương), do đang phải làm thủ tục trình Quốc hội để tăng tổng mức đầu tư. Trong khi đó, Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, Dự án Đường nối Nội Bài - Nhật Tân, Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TP.HCM… đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối, nên tiến độ giải ngân cũng không đều.
Nghiêm túc xem xét trách nhiệm
Cho rằng tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, đã nhấn mạnh, phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, bởi hiện tại, khối lượng vốn còn rất lớn mà chưa giải ngân được.
“Các công trình, dự án có vốn phải được giải ngân, sớm đi vào hoạt động, phát huy tác dụng. Các bộ trưởng phải nghiêm túc xem xét lại vấn đề giải ngân trong lĩnh vực bộ mình quản lý, cần đi vào chiều sâu quản trị, trong đó có vấn đề về tổ chức, năng lực, trách nhiệm của các ban quản lý dự án, không để tình trạng chồng chéo, không rõ trách nhiệm và các khâu trung gian không cần thiết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm đã trở thành mối lo lớn trong thời gian gần đây, bởi giải ngân chậm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tới hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, trong đó có vốn ODA phải đi vay. Các nguyên nhân gây chậm giải ngân cũng đã được mổ xẻ và một trong những nguyên nhân đã được nhắc đến là từ thể chế, những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công.
Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong tháng 8, Chính phủ sẽ có phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó có thảo luận về Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như các dự án luật khác.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến công luận, kịp hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) phải được xây dựng, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, công khai, dễ thực hiện, nhưng vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, nợ đọng, thất thoát, lãng phí. Đồng thời, phải đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chịu trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công.
Một số điểm mới trong Dự thảo Luật, như thay đổi quy trình thẩm định nguồn vốn theo hướng: các bộ, ngành Trung ương sẽ chỉ thẩm định những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, còn lại phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương; điều chỉnh phương án giao kế hoạch (giao tổng mức vốn và giao nhiệm vụ, còn việc bố trí cụ thể ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương); phân cấp mạnh mẽ trong điều chỉnh kế hoạch, cũng như trong các khâu thực hiện dự án đầu tư công…