Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra. |
Mật ong Việt Nam bị điều tra tại Mỹ
Kim ngạch xuất khẩu mật ong Việt Nam hàng năm dưới 100 triệu USD, phần lớn đều được xuất sang Mỹ. Nhưng, triển vọng xuất khẩu mật ong sang thị trường này đang có nguy cơ khó duy trì được, bởi tháng 5/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định điều tra chống bán phá giá với sản phẩm mật ong từ 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Biên độ bán phá giá do Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ước tính áp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm mật ong của Việt Nam trong vụ việc này rất cao, từ 47,56 - 138,23%
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, thị trường Mỹ chiếm khoảng 95% sản lượng xuất khẩu toàn ngành mật ong. Bởi vậy, quyết định điều tra mật ong Việt Nam bán phá giá của DOC ngay lập tức tác động đến thị trường, khiến giá mật ong giảm mạnh.
- Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Theo ông Chinh, kim ngạch xuất khẩu mật ong của Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp, nhưng lại có ảnh hưởng lớn tới đời sống và thu nhập của người dân. Nếu Mỹ áp thuế chống bán phá giá, mật ong Việt Nam sẽ rất khó khăn về đầu ra, kéo theo đó là sinh kế của 35.000 người nuôi ong bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo số liệu thống kê, nước ta đang phải đối mặt với trên 270 vụ kiện tụng, ảnh hưởng đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Dù kim ngạch xuất khẩu mật ong không lớn, nhưng rủi ro cũng không ít, bởi chỉ cần vướng một vụ kiện, các doanh nghiệp sẽ phải oằn mình theo kiện.
Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp phân tích, Mỹ là thị trường có giá trị gia tăng cao, nên ngành hàng mật ong nếu để mất thị trường này, sẽ thiệt thòi cho ngành nuôi ong của Việt Nam.
Bản thân các doanh nghiệp sản xuất mật ong của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với doanh số hàng năm chỉ khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này rất hạn chế về nguồn vốn, chủ yếu sử dụng vốn vay, nhưng lại không vay được qua nguồn chính thức từ các ngân hàng thương mại, mà thông qua doanh nghiệp, quỹ đầu tư, thậm chí vay bên ngoài. Nguồn lực hạn chế, nên khi đối diện với điều tra và nghi ngờ của đối tác nhập khẩu sẽ là khó khăn rất lớn đối với doanh nghiệp và người nuôi ong.
Được biết, có hơn 20 doanh nghiệp đang hợp tác với luật sư để tiến hành các nội dung cần thiết theo điều tra sơ bộ của Mỹ nhằm cung cấp thông tin, chứng minh mật ong Việt Nam không phán phá giá.
Đa dạng thị trường xuất khẩu
Từ câu chuyện của mật ong xuất khẩu bị điều tra chống bán phá giá tại Mỹ, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, mật ong và nhiều loại nông sản cần nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung quá vào một thị trường, để có thể “né” các biện pháp phòng vệ thương mại.
Theo ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, mật ong Việt Nam được một số thị trường quốc tế chấp nhận và được xuất khẩu sang châu Âu từ năm 1985 và sản lượng xuất khẩu tốt nhất là năm 2007 với gần 7.000 tấn mật. Đến năm 1992, mật ong Việt Nam bắt đầu xuất sang Mỹ.
Hiện nay, mật ong Việt Nam được xuất khẩu sang 12 quốc gia và lãnh thổ. Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu vào EU trên 3.000 tấn mật ong. Xuất khẩu mật ong sang Anh cũng tăng đáng kể. Tại châu Á, mật ong Việt Nam đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tính bảo hộ của thị trường Hàn Quốc rất cao. Còn tại Nhật Bản, nước ta mới chỉ đàm phán xuất khẩu được 150 tấn mật ong và mỗi năm tăng thêm được 5 tấn. Một tín hiệu đáng mừng là, Trung Quốc - nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2020 đã có doanh nghiệp nhập khẩu mật ong của Việt Nam.
“Ngành sản xuất, xuất khẩu mật ong phải nhìn lại những vấn đề chưa làm được để hoàn thiện quy trình sản xuất, cung ứng theo hướng chuyên nghiệp, giữ được thị trường chủ lực, nâng cao trình độ công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính để tìm kiếm thêm khách hàng/thị trường mới”, ông Hoàng Trọng Thủy lưu ý.
Riêng với EU, Việt Nam đang có cơ hội lớn xuất khẩu mật ong, vì mỗi năm, thị trường này nhập khẩu khoảng 300.000 tấn mật ong. Ngoài ra, EVFTA cũng tạo thêm thuận lợi thương mại cho hoạt động xuất khẩu.