Như Báo Đầu tư đã đề cập ở bài viết trước, việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đối với hộ ông Nguyễn Đình Dũng, đội 5, xã Tân Xã, huyện Thạch Thất đã bị cơ quan chức năng kéo dài nhiều năm. Câu chuyện không chỉ có thế, với những hạng mục tưởng như đã “hai năm rõ mười”, việc bồi thường cũng bị phớt lờ.
Đó là, để thực hiện mô hình kinh tế VAC kết hợp phát triển du lịch sinh thái, hộ gia đình ông Nguyễn Đình Dũng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu trang trại rộng hơn 100 ha, trong đó có hạng mục trạm biến áp 250 kVA - 10/0,4 kV và đường dây 10 kV. Sau gần 10 năm, khu trang trại của hộ gia đình ông Dũng bị thu hồi, trạm biến áp này vẫn nằm trong số tài sản gắn liền với đất chưa được bồi thường, dù Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội đã có tờ trình thống nhất phương án đền bù bằng 50% đơn giá xây dựng mới.
Trạm biến áp 250kVA – 10/0,4kV do ông Nguyễn Đình Dũng đầu tư bị bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Quang Hưng |
Cụ thể, tại Tờ trình số 773/TTr - BCĐ ngày 14/10/2015 của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP. Hà Nội, liên ngành Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, UBND huyện Thạch Thất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc thống nhất: Trường hợp trạm biến áp và đường dây đấu điện vào trạm, đường dây hạ thế 0,4 KV được xây dựng theo chủ trương của xã Tân Xã, giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Đình Dũng đầu tư. Công trình được xây dựng từ trước thời điểm UBND tỉnh Hà Tây có Quyết định thu hồi đất, được Điện lực Hà Tây cấp phép, nghiệm thu, đóng điện từ 25/4/2002. Công trình cung cấp điện, phục vụ nhu cầu của gia đình ông Nguyễn Đình Dũng và hơn 70 hộ dân thôn Khoang Dong. Liên ngành thống nhất đề nghị UBND TP. Hà Nội chấp thuận việc bồi thường, hỗ trợ công trình trạm điện và đường dây theo phương án 60% đơn giá xây dựng mới (vận dụng theo quy định tại Điều 12, Quyết định số 23/2014/QĐ - UBND ngày 20/6/2014 của UBND TP. Hà Nội và niên hạn sử dụng công trình theo Thông tư số 45/2013/TT - BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính).
“Theo quy định, phần tài sản công trình sau khi bồi thường, hỗ trợ phải thu hồi, thanh lý. Tuy nhiên, xét thực tế giá trị tài sản sau thu hồi nhỏ, để giảm bớt quy trình thực hiện thanh lý, Liên ngành đã thống nhất đề nghị UBND TP. Hà Nội cho phép thanh lý tài sản theo hình thức trừ vào phương án hỗ trợ với mức bằng 10% đơn giá xây dựng mới. Hộ gia đình ông Dũng được nhận hỗ trợ tài sản công trình điện bằng 50% đơn giá xây dựng mới và được thu hồi, sử dụng phần tài sản”, tờ trình 773/TTr - BCĐ đã nêu rõ.
Sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ được Liên ngành trình UBND TP. Hà Nội, ngày 30/10/2015, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng có ý kiến chỉ đạo (Công văn số 7797/UBND – TNMT gửi UBND huyện Thạch Thất), đồng ý với phương án đến bù 50% đơn giá xây dựng mới và hộ ông Dũng được thu hồi, sử dụng phần tài sản còn lại của công trình sau khi bồi thường. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã gần 9 tháng trôi qua, ông Nguyễn Đình Dũng vẫn không được UBDN huyện Thạch Thất bồi thường, hỗ trợ phần tài sản đã đầu tư là trạm biến áp và đường dây đấu điện vào trạm, đường dây hạ thế 0,4 KV.
Thậm chí, tại buổi họp giữa lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất với lãnh đạo UBND xã Tân Xã ngày 25/6/2016 mới đây, ông Cấn Văn Lai, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất vẫn giữ quan điểm rằng: “Riêng cái đường điện, tôi xin báo cáo các đồng chí lãnh đạo huyện là do Hợp tác xã nông nghiệp Tân Xã làm. Nhưng mà, lúc đó không biết vì lý do gì, mục đích là ông Dũng có cái trang trại ở đấy thì ông ấy xin làm và vốn liếng thế nào đó. Cái chuyện đó thì chúng tôi nhất trí là thôi, giờ có trạm điện ở đó rồi, theo chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, chúng tôi báo cáo Thành phố. Thành phố cho phép là thôi, nó như thế thì cho bồi thường với giá trị còn lại, phải trừ đi khấu hao. Giờ chúng tôi đang thuê tư vấn đánh giá giá trị trạm điện còn bao nhiêu phần trăm nữa. Còn 5% thì đền bù 5%, còn 10% thì đền bù 10%”.
Tại buổi họp này, ông Lai cũng không giấu diếm rằng, vụ của ông Dũng muốn được xem xét thì phải rút đơn kiến nghị. “Chuyện ông Dũng đầu tư vào đấy như thế nào, ông Dũng phải rút đơn. Tôi quan điểm làm việc như vậy. Nếu ông thích Nhà nước, huyện vào cuộc thì phải rút đơn trình bày khác chúng tôi mới đề xuất thôn, xã, xóm, huyện xem xét thế nào”, ông Lai nói.
Trong lá đơn kiến nghị ông Nguyễn Đình Dũng gửi UBND huyện Thạch Thất mới đây (Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên xác nhận với phóng viên Báo Đầu tư đã nhận được đơn kiến nghị này), ông Dũng còn chỉ ra hàng loạt vướng mắc khác trong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với hộ gia đình ông như: Không được cấp đất tái định cư khi thu hồi thửa đất 3 ha khu Khoang Ấp - Khoang Nhện mà Ban Dự án Kinh tế mới Hòa Lạc, UBND Thạch Thất giao năm 1993; Không bồi thường các công trình phục vụ hoạt động của hồ cá, giá trị tài sản trong hồ cá; Không hỗ trợ giải thể doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động mất việc làm, không cấp đất tái định cư… dù đã được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt.
Điều đáng buồn hơn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ở Thạch Thất, hộ ông Nguyễn Đình Dũng không phải là trường hợp duy nhất. Theo những tài liệu mà Báo Đầu tư có được, có những hộ thậm chí còn không nhận được thông báo bồi thường mà không rõ nguyên nhân (Báo Đầu tư sẽ tiếp tục gửi đến độc giả trong những bài viết sau).
Sự thực ấy chính là câu trả lời vì sao, một dự án trọng điểm quốc gia với tính chất đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của Thủ đô và cả nước là Khu Công nghệ cao Hòa Lạc 19 năm nay vẫn chưa thể hoàn thành. Lý do lại đến từ những điều rõ ràng và đơn giản.