Thật tự hào khi được dự thi dưới “sắc áo” Đầu tư.
Nhà báo Phạm Anh Minh (ngoài cùng, bên trái) đạt Giải Khuyến khích Giải báo chí quốc gia 2013 |
Tôi được Hội đồng Giải báo chí quốc gia năm 2013 trao Giải Khuyến khích cho loạt bài 3 kỳ: “Giải ngân ODA, đầu tàu va chắn”.
Đây là loạt bài phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án hạ tầng sử dụng vốn ODA trong lĩnh vực giao thông. Trong bối cảnh các dự án vốn trong nước bị đình hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn, thì một số công trình sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài bế tắc trong việc giải ngân dù sẵn vốn. Đây là vấn đề rất đáng báo động, không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư, mà còn có thể ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Loạt bài này, sau khi đăng tải, đã mang lại sức lan tỏa nhất định đến một số bộ, ngành, địa phương; các chủ đầu tư và nhà tài trợ. Bên cạnh những đánh giá tốt từ Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bài báo đã nhận được không ít ý kiến trái chiều, không hài lòng từ một số đơn vị liên quan. Thậm chí, có nhà tài trợ ban đầu đã phản ứng khá quyết liệt lên bộ chủ quản, nhưng sau đó đã ghi nhận rằng, bài viết phản ánh đúng thực tế các vướng mắc liên quan đến cơ chế giải ngân của chính đơn vị tài trợ vốn để dần tháo gỡ giúp đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm.
Mặc dù vậy, do đây là đề tài thuần chất kinh tế, ít được báo chí khai thác, nhưng lại khá khô khan, nên khi được Ban Biên tập lựa chọn dự thi Giải Báo chí quốc gia cùng với một số tác phẩm tốt khác của Báo Đầu tư, tôi đã nghĩ loạt bài về ODA này chắc chỉ vào đến vòng chung khảo là tốt lắm rồi.
Cần phải nói thêm rằng, trước khi về Báo Đầu tư, tôi cũng đã từng mang một số bài viết với đề tài tương tự dự thi giải báo chí quốc gia, nhưng không được giải. Chính vì vậy, dù chỉ được giải thấp nhất trong hệ thống giải thưởng cho loạt bài viết về ODA, nhưng đối với tôi, đây là sự khích lệ, phần thưởng lớn.
Tôi đã từng thử lý giải vì sao bài báo được Hội đồng Chung khảo đánh giá cao để bản thân mình làm tốt hơn cho những lần dự thi sau. Bài viết được chuẩn bị kỹ lưỡng, cách thể hiện hay? Điều này có thể đúng, nhưng chưa đủ. Tôi cho rằng, nếu không dự thi dưới “màu cờ, sắc áo” của Báo Đầu tư, thì chưa chắc đoạt giải. Chính uy tín của tờ báo kinh tế hàng đầu Việt Nam này đã làm tăng sức thuyết phục để Hội đồng Chung khảo bỏ phiếu cho loạt bài của tôi.
Nhiều người nói, nghề báo thật đặc biệt, bởi mỗi nhà báo là một cái tên riêng, nhưng đối với tôi, không có thương hiệu nào lớn hơn, uy tín hơn thương hiệu tờ báo mà tôi đang công tác – thương hiệu được vun đắp một cách kiên trì, bền bỉ bởi các hệ thế nhà báo đi trước trong suốt 24 năm qua. Tôi tin rằng, tôi và nhiều anh chị em phóng viên khác được hưởng lợi điều này trong quá trình tác nghiệp và thật tự hào khi được dự thi dưới “sắc áo” Đầu tư.
Tôi muốn nói lời cám ơn tới các đồng nghiệp.
Nhà báo Trần Tuyết Ánh nhận Giải C, Giải báo chí quốc gia 2014 |
Câu nói của đồng nghiệp ngồi cùng hàng trong Lễ trao Giải báo chí quốc gia năm 2014, diễn ra vào đúng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), rằng không có nhiều tác phẩm của cá nhân đoạt giải, khiến tôi phân vân.
Sự phân vân không phải bởi phần lớn người nhận giải là đại diện cho nhóm tác giả của tác phẩm đoạt giải, mà bởi về bản chất, một tác phẩm báo chí là thành quả của một tập thể. Khi đó, tôi đã nghĩ, giá như được nói, tôi sẽ giới thiệu là đại diện cho những đồng nghiệp đã chung tay tạo nên những tác phẩm báo chí mà tôi đứng tên. Vào lúc này, khi viết những dòng chia sẻ nhân dịp kỷ niệm tuổi 24 của Báo Đầu tư, tôi muốn nói lời cám ơn tới các đồng nghiệp.
Trở lại với chùm bài “Môi trường kinh doanh không bóng dáng nhiệm kỳ”, đoạt giải C, đây chắc chắn là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời làm báo của tôi tại Báo Đầu tư.
Đó là toàn cảnh câu chuyện về sự kiện hy hữu, bất ngờ diễn ra tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh vào 13 - 14/5/2014. Sự kiện xảy ra là không đáng có, nhưng với những người làm báo, được trực tiếp chứng kiến toàn bộ câu chuyện, từ cảnh đổ nát trong các doanh nghiệp ở Bình Dương, những giọt nước mắt của người chủ doanh nghiệp…, đến những tấm áo đẫm mồ hôi của các công chức trong các cuộc làm việc giữa doanh nghiệp bị thiệt hại và chính quyền kéo dài tới nửa đêm… thực sự là một trải nghiệm vàng. Chính nhờ những cảm nhận nóng hổi này mà khi tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2014, được tổ chức sau đó chưa đầy nửa tháng, tôi đã cảm nhận được một phần nào sự quyết liệt của Chính phủ trong các giải pháp xử lý kịp thời, thực sự cảm thấy được vai trò của một môi trường kinh doanh an toàn, không rủi ro mà trước đó tôi và các đồng nghiệp của mình đã viết rất nhiều.
Cũng phải nói thêm, trước đó, khoảng tháng 3/2014, khi nhận chỉ đạo xây dựng đề cương cho chùm bài viết về môi trường kinh doanh, đề tài mà tôi đã theo đuổi nhiều năm, tôi đã dự định một tuyến nội dung vĩ mô hơn, với câu chuyện xung quanh Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mà khi đó đang bắt tay vào sửa đổi. Sự kiện mới xảy ra, tôi nhận được lệnh làm ngay. Liên tục trong 4 số báo, tôi viết từng bài, biên tập viên làm từng số và lãnh đạo duyệt đơn lẻ từng bài, thay vì đúng quy trình là phải trình duyệt cả chùm bài…
Bài “Môi trường kinh doanh không bóng dáng nhiệm kỳ” chỉ là một trong những bài báo mà chúng tôi đã và đang cùng nhau cống hiến hết sức mình tại Báo Đầu tư, vì những độc giả của Báo trong suốt 24 năm qua và cả chặng đường dài phía trước. Đó là phần thưởng lớn mà chúng tôi muốn nhận và chia sẻ.
Những người làm báo cũng phải “nâng cấp” mình lên những chuẩn mực cao hơn, cả về năng lực và đạo đức nghề nghiệp.
Phóng viên Vũ Anh Hoa nhận Giải B, Giải báo chí quốc gia 2014 |
Báo Đầu tư chuyên về kinh tế - đầu tư – lĩnh vực được coi là phức tạp và buồn tẻ, khô khan. Nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Biên tập và lãnh đạo các phòng, ban, các phóng viên đã xác định rõ tôn chỉ, mục đích của tờ báo là tạo ra sự khác biệt. Với việc theo sát những biến động về kinh tế, đầu tư, những con số biết nói, những động thái của cộng đồng doanh nghiệp được tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau và được thể hiện sinh động. Điều đó đã giúp Báo Đầu tư có những tác phẩm tỏa sáng.
Loạt bài “Bão nổi trên thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam”, đăng trên Báo Đầu tư vào những ngày cuối năm 2014, được phôi thai trong dòng chảy biến động mạnh của thị trường phân phối, bán lẻ - lĩnh vực xương sống của nền kinh tế đang có nguy cơ bị đứt gãy.
Câu chuyện bắt đầu từ việc đại gia bán sỉ đến từ Đức là Metro Cash & Carry bất ngờ rút quân khỏi thị trường Việt Nam sau 12 năm “đánh chiếm” thị trường, khi “trao thân” cho nhà bán lẻ BJC (Thái Lan). Hàng loạt tên tuổi khác như Big C (Pháp), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản) cũng tăng cường hiện diện khi rót vốn khủng đầu tư siêu thị mới tại Việt Nam.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ bị thâu tóm, thu hồi mảnh đất màu mỡ từng giúp họ tồn tại bao năm qua. Nhưng cũng có tên tuổi trở thành lính mới trên thị trường, như Vingroup, để chiến đấu giữ trận địa…
Những lo lắng, hoang mang của đại gia đình phân phối bán lẻ Việt Nam không thể so sánh với không khí sôi sục của cuộc chơi hội nhập, mở cửa thị trường đến gần hạn chót (năm 2015 là thời điểm các rào cản cuối cùng trong cam kết WTO với doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này sẽ được gỡ bỏ). Đó là chưa kể những cam kết mới sẽ xuất hiện khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương giữa Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới sẽ được hoàn tất.
Những yếu tố trên khiến thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam lâu nay im ắng bỗng “gây bão”. Doanh nghiệp trong nước phần vì co hẹp, thận trọng; phần vì vẫn chưa tỉnh mộng. Nhưng trên hết vẫn là câu chuyện về tính tự chủ của nền sản xuất trong nước, của cả nền kinh tế thông qua vận mệnh của hệ thống phân phối và thị trường bán lẻ nội địa khi những mối lương duyên nội - ngoại không tác thành dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, có phần bao che của các cơ quan có thẩm quyền.
Loạt bài đã đoạt Giải B, Giải báo chí Quốc gia 2014. Đây là niềm tự hào rất lớn đối với một phóng viên ít tuổi nghề như tôi, song cũng đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn trong việc đi sâu, đi sát vào những lãnh địa có liên quan, tác động tới sự đi lên hoặc gây bất ổn tới nền kinh tế của đất nước bằng những tuyến bài phản ánh đúng bản chất sự việc, vấn đề.
Khoảng cách giữa báo chí và doanh nghiệp dường như đang rộng hơn. Nhưng cùng với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập kinh doanh, doanh nghiệp đang đòi hỏi nhiều hơn từ báo chí, đặc biệt là sự thấu hiểu và trách nhiệm giữa báo chí và doanh nghiệp. Đây là lý do Báo Đầu tư chọn doanh nghiệp để đồng hành trong quá trình phát triển của mình cũng như trong việc tham gia phản biện chính sách. Điều này có nghĩa, những người làm báo cũng phải “nâng cấp” mình lên những chuẩn mực cao hơn, cả về năng lực và đạo đức nghề nghiệp.