Với mục tiêu thay đổi hành vi người tiêu dùng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, sáng 23/6, Báo Đầu tư tổ chức livestream Talkshow với nội dung “Các giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh”. Trước đó, chiều 22/6, Báo Đầu tư đã tổ chức Talkshow với chủ đề “Sáng kiến giảm nhựa trong ngành bán lẻ và dịch vụ”.
Theo các chuyên gia, sản xuất bền vững, tiêu dùng xanh là xu hướng phát triển tất yếu mà cả thế giới và Việt Nam đang hướng đến. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã nhấn mạnh đến việc phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các khách mời tham gia Talkshow “Các giải pháp thay thế đồ nhựa dùng một lần, thúc đẩy tiêu dùng xanh” |
Đồng hành cùng các chính sách và định hướng của nhà nước, các doanh nghiệp cũng đã nhận thức rõ vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa là yêu cầu cốt lõi của phát triển bền vững. Điều này không những giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường do giảm tiêu thụ tài nguyên, giảm chi phí xử lý rác thải mà còn tạo ra vị thế cao hơn, hình ảnh đẹp hơn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ tư duy đến hành động vẫn còn cả một khoảng cách. Chúng ta cần hành trình dài hơi để thực hiện vấn đề này một cách hiệu quả.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông - Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã quy định rác là một loại tài nguyên. Và để biến rác thành tài nguyên thì còn cần một hành trình dài. Mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra là năm 2025 sẽ chấm dứt đồ nhựa dùng một lần và nylon phân hủy sẽ không còn ở Việt Nam.
Theo ông Lý, túi nylon khó phân hủy được phát miễn phí tràn lan trên thị trường hiện nay là do giá rẻ, trong khi đó vai trò của công cụ thuế chưa được phát huy.
Theo ông Lý, hiện nay thu thuế đối với các hộ gia đình là thu thuế khoán chứ không phải theo doanh thu. Về phía người tiêu dùng, nếu túi nylon có giá cao thì họ sẽ phải cân nhắc khi sử dụng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách bộ phận Phát triển bền vững AEON Việt Nam cho biết từ đầu năm 2022, AEON Việt Nam đã trở thành một trong những thành viên của liên minh các nhà bán lẻ, giảm tiêu thụ túi nylon.
“AEON tham gia vào liên minh bán lẻ giảm nhựa với mong muốn chia sẻ và học tập những gương làm tốt điển hình của nhau. Ngoài ra, khi tham gia chúng tôi cũng nhận được rất là nhiều sự hỗ trợ về chuyên môn và chính sách” - bà nói.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc - Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược Chợ Tốt dẫn một khảo sát mới đây cho thấy, cứ 100 người được hỏi thì 83 người chia sẻ đã từng mua bán đồ đã qua sử dụng và nếu có cơ hội thì họ sẽ còn tiếp tục sử dụng.
“Chúng tôi nhìn thấy một xu hướng của các bạn trẻ là tiêu dùng bền vững, sử dụng đồ tái chế. Các bạn chính là thế hệ để dẫn dắt lối sống tiêu dùng xanh trong gia đình mình cũng như trong cộng đồng” - bà Ngọc chia sẻ.
Ông Vũ Minh Lý cho biết, gần 3 năm qua, phong trào chống rác thải nhựa đã phát triển rất mạnh mẽ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tại các cơ quan Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, nhiều hội nghị, cuộc họp không còn sử dụng chai nước dùng một lần mà được thay thế bằng chai thủy tinh hoặc bình nước lớn, chiết ra những chai nhỏ…
Nói thêm về thu hồi và tái chế, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Phú Việt Nam cho rằng sẽ có hai phần: Thứ nhất, tự chủ động tái chế lại những sản phẩm do mình làm ra; thứ hai, đối với rác thải chung ở bên ngoài thì rất mong các cơ quan chức năng và người dân có ý thức phân loại, thu gom lại để chuyển tới các nhà máy tái chế. “Những nhà sản xuất chúng tôi sẽ mua nguyên vật liệu tái chế đó để tạo ra những sản phẩm tương ứng” - ông Tuấn nói.
Với vai trò kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, bà Nguyễn Bằng Lăng, Phụ trách bộ phận Phát triển bền vững, AEON Việt Nam khẳng định, người tiêu dùng đã có nhận thức tốt hơn về rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên từ nhận thức đến hành động vẫn là một khoảng cách rất xa.
Dưới góc nhìn của AEON, đây là thách thức không dễ giải quyết, làm sao người tiêu dùng thay đổi nhận thức, dẫn đến hành động thân thiện với môi trường và bền vững hơn.
“Để trả lời cái câu hỏi đó thì thì tôi nghĩ giống như chiến lược mà AEON đang hướng tới - ở tất cả các doanh nghiệp, không chỉ là bán lẻ hay doanh nghiệp dịch vụ. Chúng ta có thể làm được những gì để giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm hàng hóa, quyết định sử dụng dịch vụ thân thiện với môi trường hơn. Cuối cùng, hợp tác giữa công với tư hay giữa tư với tư, chẳng hạn giữa các doanh nghiệp với nhau cần phải nhiều hơn thì mới tìm ra những hướng hợp tác mới” - bà Bằng Lăng nhận định.