- Ferrari chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số tại châu Âu
- Ferrari chuẩn bị trình làng siêu xe điện đầu tiên, giá khởi điểm trên nửa triệu đô
- Ferrari Purosangue giá khởi điểm gần 40 tỷ đồng, chỉ 3 người Việt đặt mua được
- Ferrari báo lãi kỷ lục, nhận kín đơn hàng đến năm 2025
- Bộ Ngoại giao lên tiếng về khả năng đội Ferrari tham gia chặng đua F1 Hà Nội
Theo Bloomberg, một kẻ lạ mặt đã sử dụng ứng dụng deepfake để giả danh CEO của Ferrari, Benedetto Vigna, thông qua ứng dụng WhatsApp nhằm thực hiện một vụ lừa đảo liên quan đến hợp đồng thu mua lớn.
Kẻ gian đã tạo ra một tài khoản giả mạo ông Benedetto Vigna và liên lạc với một giám đốc cấp cao của Ferrari để trao đổi về một hợp đồng mua bán cần sự xác nhận từ giám đốc điều hành. Kẻ này thậm chí đã thực hiện một cuộc gọi video, giả dạng ông Vigna với giọng nói và hình ảnh gần như hoàn hảo. Tuy nhiên, khi được hỏi về một cuốn sách gần đây mà CEO Vigna đã đọc, kẻ giả mạo đã tỏ ra lúng túng và kết thúc cuộc gọi một cách đột ngột.
Ngay sau vụ việc, Ferrari đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và không đưa ra bình luận thêm về sự cố này. Tuy nhiên, vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của công nghệ deepfake trong các hoạt động lừa đảo.
Đây không phải lần đầu tiên công nghệ deepfake được sử dụng để lừa đảo các CEO. Trước đó, CEO của tập đoàn truyền thông WPP, Mark Read, cũng bị giả mạo để thực hiện một cuộc gọi qua Microsoft Teams. Một công ty đa quốc gia khác đã mất 26 triệu USD sau khi các nhân viên của họ tại Hong Kong bị lừa đảo bởi kẻ gian sử dụng công nghệ deepfake giả mạo giám đốc tài chính của công ty.
Deepfake là sự kết hợp giữa "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) để tạo ra các video, âm thanh giả mạo người thật một cách vô cùng tinh vi. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ này khiến cho việc nhận diện các video giả mạo trở nên ngày càng khó khăn.
Ảnh minh họa |
Rachel Tobac, CEO của công ty đào tạo an ninh mạng SocialProof Security, khuyến cáo rằng người dùng không nên tin tưởng hoàn toàn vào các cuộc gọi liên quan đến chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin tài chính mà không xác minh kỹ lưỡng. Một bước xác thực đơn giản nhưng quan trọng là đặt các câu hỏi chỉ có hai người biết câu trả lời để xác định danh tính thực sự của người liên lạc.
Stefano Zanero, chuyên gia an ninh mạng của Politecnico di Milano (Italy), dự báo rằng công nghệ deepfake sẽ trở nên cực kỳ chính xác và khó phân biệt trong tương lai gần. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và cá nhân phải nâng cao nhận thức và kỹ năng để phòng tránh các chiêu trò lừa đảo tinh vi sử dụng công nghệ này.