- Ông đánh giá như thế nào về đợt mưa vừa qua ở Quảng Ninh?
Ông Hoàng Đức Cường. Ảnh: H.P. |
- Đây là đợt mưa lớn nhất từ đầu năm tới nay, kéo dài trên 10 ngày. Lượng mưa đo được phổ biến 200-300 mm mỗi ngày, cá biệt có những điểm trên dưới 1.000 mm như ở Cô Tô, Móng Cái 899 mm.
So sánh với số liệu quan trắc trong lịch sử, chúng tôi thấy lượng mưa cực đại trong một ngày chưa bằng với năm 1986. Năm đó, lượng mưa đo được kỷ lục ở Cửa Ông là 400 mm. Tuy nhiên, cường độ và diện bao phủ của đợt mưa này lớn hơn nhiều. Tính tổng lượng mưa trong cả đợt thì vượt gấp đôi số liệu lịch sử, lớn nhất trong vòng 50 năm qua ở Quảng Ninh.
- Đều chịu ảnh hưởng của rãnh thấp, tại sao mưa lớn lại chỉ tập trung ở Quảng Ninh, trong khi các tỉnh khác mưa nhỏ?
- Nguyên nhân chính của đợt mưa này là do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục vắt ngang khu vực Bắc Bộ. Trên nền rãnh thấp tồn tại vùng áp thấp có luồng đối lưu mạnh mẽ nằm trên vùng Vịnh Bắc Bộ, một phần rãnh thấp nằm ở tỉnh Quảng Ninh nên gây mưa lớn cho khu vực này. May mắn là phần lớn rãnh thấp nằm trong vịnh Bắc Bộ nên mưa chủ yếu rơi xuống biển. Nếu rãnh thấp nằm trong lục địa thì mưa còn lớn hơn, gây hậu quả nặng nề hơn.
- Nhiều công trình ở Quảng Ninh đã bị hư hại, có 18 người chết. Từ góc độ khí tượng thủy văn, ông lý giải thế nào về nguyên nhân gây thiệt hại nặng nề này?
- Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lượng mưa lịch sử kéo dài trong nhiều ngày, việc úng ngập nặng ở thành phố ven biển là điều không tránh khỏi.
Nói về mặt địa hình, toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm của Quảng Ninh đều nằm ven biển với hoạt động khai thác mỏ, nhiều khác thường: mỏ sâu, bãi thải lớn giống như một quả đồi nhân tạo, có thể trượt lở bất kỳ lúc nào khi mưa xuống. Ngoài ra, đất thải lẫn nhiều cát, bùn khi sạt trượt làm tắc hệ thống cống rãnh, sông suối, hạn chế dòng chảy đổ ra biển, gây nên ngập úng nặng nề, kéo dài.
Mưa kéo dài trong nhiều ngày khiến nước cuồn cuộn đổ về gây sạt lở khắp nơi ở Quảng Ninh. Ảnh: Giang Chinh. |
- Cả người dân và chính quyền địa phương bày tỏ sự bất ngờ với đợt mưa kỷ lục này. Vậy công tác dự báo, cảnh báo đã được thực hiện như thế nào?
- Trung tâm đã có nhận định sớm về đợt mưa lũ này. Ngày 21/7, chúng tôi đưa hình thế gây mưa này vào diện theo dõi đặc biệt. Đến 22/7, Trung tâm phát đi cảnh báo đầu tiên, thông báo mưa sẽ chia làm hai đợt. Đài khí tượng thủy văn Quảng Ninh cũng đưa ra các cảnh báo về mưa to đến rất to cho người dân biết. Bằng các nguồn khác nhau, chúng tôi cập nhật đến các đơn vị liên quan để thông báo tình hình mưa nhưng để đến được với cộng đồng cũng còn nhiều hạn chế.
Dù đã cảnh báo sớm là sẽ có mưa lớn nhưng không ai ngờ rằng lượng mưa lại ở mức kỷ lục 50 năm mới có như vậy. Ngoài lượng mưa lớn, mưa còn tập trung tại một khu vực, thường diễn ra từ chiều đến đêm về sáng. Có thể cảnh báo khoảng 6 tiếng trước khi có hiện tượng mưa lớn, lũ quét xảy ra thì công tác triển khai phòng chống cũng gặp nhiều khó khăn. Việc cảnh báo đã được tiến hành sớm, chúng tôi đã làm hết sức mình.
Công nghệ trên thế giới hiện nay cảnh báo được lượng mưa phổ biến, mưa trên diện rộng. Còn những vùng có mưa cực đoan như mưa ở Quảng Ninh mấy ngày qua thì khoa học chưa thể cảnh báo được.
- Bao giờ đợt mưa này chấm dứt và những tháng tới, khả năng mưa lũ ở Quảng Ninh cũng như miền Bắc sẽ ra sao, thưa ông?
- Mưa lớn còn tiếp diễn ở Quảng Ninh khoảng 2 ngày tới. Đợt mưa này sẽ không kết thúc ngay mà còn kéo dài khoảng một tuần nữa. Do rãnh thấp kéo sâu vào đất liền, trong lục địa sẽ xuất hiện mưa lớn, nhưng mưa không đồng loạt mà luân phiên ở từng khu vực.
Quan ngại nhất là từ đêm 31/7 trở đi, rãnh thấp suy yếu nhưng sẽ dịch dần vào đất liền. Có hai kịch bản xảy ra. Nếu rãnh thấp lấn sâu vào đồng bằng Bắc Bộ sẽ gây mưa cho khu vực này ít nhất là đến 2/8. Nếu rãnh thấp di chuyển xuống Bắc Trung Bộ thì sẽ nhanh tan do có nhiều đồi núi. Chúng tôi sẽ cố gắng dự báo sớm nhất trước 6 tiếng, chậm nhất 12 tiếng những khu vực sẽ xảy ra mưa lớn.
Đầu tháng 8, lượng mưa ở Bắc và Trung Bộ đều giảm, nhưng mưa lại trên diện rộng. Trong giai đoạn này, mưa ở khu vực thượng nguồn sẽ kết hợp với lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên đến đỉnh điểm. Như vậy, trong tháng 8, cả nước đều có hình thái thời tiết nguy hiểm, chủ yếu liên quan đến mưa và lũ.
'Có thể cảnh báo bằng tin nhắn điện thoại' Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng quốc gia cho biết, hiện nay, mỗi người dân đều có di động, có thể sử dụng hình thức cảnh báo các hiện tượng thời tiết cực đoan bằng tin nhắn điện thoại. Ý tưởng này nảy sinh sau trận giông lốc cực mạnh ở Hà Nội vào ngày 13/6. Nhưng việc triển khai như thế nào thì còn phải chờ vào thời gian sắp tới khi các cơ quan liên quan có sự bàn bạc với nhau. |