Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tạị phiên thảo luận. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tập trung thực hiện kiểm toán chuyên đề, kiểm toán phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
Chiều 12/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước.
Theo dự kiến, năm 2023 Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện 141 nhiệm vụ kiểm toán, riêng lĩnh vực ngân sách sẽ thực hiện tại 15 bộ, cơ quan trung ương, 31 bộ, cơ quan trung ương và 59 địa phương.
Kiểm toán nhà nước cũng dự kiến kiểm toán 25 chuyên đề, 28 dự án đầu tư, 16 cuộc trong lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng...
Thẩm tra kế hoạch này, đa số ý kiến tại Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán NSNN.
Cụ thể, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát bố trí tăng số lượng các địa phương được kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, tiến tới đạt tỷ lệ 100% như mục tiêu chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước.
Về kiểm toán chuyên đề, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung nội dung kiểm toán: “Quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ và việc nghiệm thu, bàn giao, chuyển giao các kết quả nghiên cứu” theo đề xuất của Đoàn giám sát tối cao “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Nguyễn Phú Cường cũng cho biết, đa số ý kiến đề nghị không thực hiện kiểm toán các chuyên đề “Về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022” và “Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương" do các quỹ này nguồn vốn nhỏ, ít hoạt động.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị tập trung kiểm toán các dự án hoàn thành có quy mô từ nhóm A trở lên; không tổ chức kiểm toán các dự án mới bắt đầu triển khai thực hiện, đang triển khai dở dang và các dự án có quy mô từ nhóm B trở xuống (trừ các dự án Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải kiểm toán ngay trong năm 2023).
Với lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, ông Cường nêu ý kiến của đa số Uỷ ban đề nghị rà soát, cắt giảm số lượng để các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển, chỉ lựa chọn một số ít doanh nghiệp ít chịu sự tác động của đại dịch để tổ chức kiểm toán. Nội dung kiểm toán bảo đảm tính chuyên sâu, toàn diện để bảo đảm chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán.
Sau khi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là tăng cường các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan, Trung ương và địa phương; tăng tỷ trọng các cuộc kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động và tham gia ý kiến với các dự án quan trọng quốc gia.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vi mô, chính sách, tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, kinh phí chuyển nguồn ngân sách hàng năm, các dự án trong 12 dự án yếu kém và thua lỗ.
Cân nhắc việc lựa chọn kiểm toán một số công trình, dự án chưa khởi công mới hoặc bắt đầu triển khai, dự án đang dở dang, ít khối lượng hoàn thành, tránh phải điều chỉnh hoặc giảm kế hoạch do chưa có khối lượng thực hiện để kiểm toán, nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán như cân nhắc việc kiểm toán dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý.
Ông Hải cũng nêu rõ, kế hoạch kiểm toán năm 2023 sẽ gửi xin ý kiến Quốc hội ,sau khi có ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản gửi Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở đó Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định kế hoạch kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.