Trong bối cảnh hiện nay, tiền phải được bơm mạnh ra nền kinh tế, thì mới có thể tác động giảm lãi suất cho vay. Ảnh: Đ.T |
Cho vay tăng gấp đôi huy động, ngân hàng không dư thừa vốn
Hơn một tháng nay, làn sóng giảm lãi suất huy động đã diễn ra tại hàng loạt ngân hàng. Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang đứng ở mức cao trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng xấu đi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Tấn Tài, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho hay, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là khuyến khích các ngân hàng thương mại cổ phần giảm lãi suất cho vay, nhưng giảm ở mức độ nào còn tùy thuộc sức khỏe tài chính, chi phí lãi suất đầu vào cũng như chiến lược khách hàng của từng ngân hàng.
“Kinh doanh vốn, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao, song việc giảm lãi suất còn tùy thuộc giá vốn đầu vào, tùy thuộc mặt bằng chung và diễn biến thị trường thế giới. Mặc dù vậy, về xu hướng, theo tôi, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm”, ông Hồ Tấn Tài nhận định.
Thực tế, dù tín dụng tăng chậm, nhưng lãi vay khó giảm vì hệ thống ngân hàng không quá dư thừa vốn. Tiền gửi tăng chậm trong khi nhu cầu vốn của ngân hàng rất lớn (cho vay, xử lý nợ xấu, tái cơ cấu…), buộc các ngân hàng phải huy động vốn với lãi suất cao.
Thứ nhất, hiện các ngân hàng đã sử dụng gần như tối đa nguồn huy động cho phép để cho vay (chênh lệch tiền gửi và tín dụng bằng VND chỉ vỏn vẹn 167.000 tỷ đồng); tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1 bằng VND ở mức 101,45% (tức tiền ngân hàng cho vay cao hơn cả tiền huy động trên thị trường 1). Trong đó, vốn huy động của ngân hàng có tới 88% là ngắn hạn, tiềm ẩn rủi ro kỳ hạn lớn.
Thứ hai, lạm phát cơ bản trong nước tăng 4,9%, người dân vẫn kỳ vọng lãi suất thực dương, nên để thu hút tiền gửi, tổ chức tín dụng sẽ khó giảm lãi suất. Ngoài ra, huy động vốn tăng chậm hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Huy động vốn đến ngày 27/4/2023 tăng 1,78%, chỉ bằng 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng 3,04%.
- TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế
Thứ ba, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN mới ban hành cho phép cơ cấu nợ khiến các tổ chức tín dụng chưa thể thu nợ đến hạn trong khi vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế, gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.
Chưa kể, hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế…, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng cũng làm cho việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, xu hướng tăng lãi suất trên thế giới có thể chưa dừng lại. Trong bối cảnh này, NHNN cho biết sẽ theo dõi, cân nhắc giảm lãi suất điều hành, song chỉ trong điều kiện cho phép. Nhiều khả năng, quyết định giảm lãi suất sẽ được NHNN đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái cụ thể trong phiên họp vào tháng 6 tới.
Cung tiền quá thấp, chuyên gia khuyến cáo bơm tiền
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng cung tiền quá thấp, vòng quay của tiền chỉ còn 0,64 vòng/năm. Từ đầu năm đến nay, NHNN bơm ra 140.000 tỷ đồng để mua vào USD, song con số này là chưa đủ và cũng không hẳn là bơm tiền vào nền kinh tế.
“Hạ lãi suất điều hành chỉ là hình thức, không có nhiều ý nghĩa. Muốn giảm lãi suất cho vay, NHNN buộc phải tăng cung tiền, phải bơm mạnh tiền ra nền kinh tế. Tăng cung tiền trong bối cảnh hiện nay là phải tăng cung tiền cơ sở (tức in thêm tiền), chứ không phải tiền gửi, thì lãi suất cho vay mới giảm được. Tất nhiên, NHNN phải tính toán trên cơ sở lạm phát có đáng lo ngại không. Theo tôi, trong bối cảnh tín dụng và cung tiền thấp như hiện nay, NHNN đang có cơ hội để tăng cung tiền cơ sở”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.
Mặc dù tăng cung tiền cơ sở (base money) là giải pháp hữu hiệu nhất để hạ lãi suất, song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, NHNN sẽ rất thận trọng với lựa chọn này, nhất là trong bối cảnh nhiều quan chức Fed lại tiếp tục đề xuất tăng lãi suất tháng 6 tới.