Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị giảm mạnh thuế cho báo chí. Ảnh: Như Ý |
Nên giảm nhiều hơn nữa
Cùng với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi (TNDN) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào cuối tuần qua.
Trong lần sửa đổi này, một trong những chính sách đáng chú ý là ưu đãi thuế đối với lĩnh vực báo chí.
Hiện cơ quan báo chí được áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in) với thuế suất 10%. Theo kiến nghị của các cơ quan báo chí cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh hoạt động báo in, cơ quan báo chí có nhiều loại hình hoạt động báo chí khác (báo nói, báo hình, báo điện tử) đều để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cung cấp thông tin thiết yếu. Ngoài ra, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo, nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển bùng nổ dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí sụt giảm rất lớn.
Trước tình hình trên, Chính phủ đề xuất ưu đãi giảm 5% thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo điện tử, truyền hình, phát thanh so với hiện nay, về mức 15%. Riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, theo một số vị đại biểu, mức thuế trên vẫn còn cao. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nhận xét, mức thuế TNDN với các lĩnh vực truyền thông, báo chí, văn hóa hiện quá cao, trong khi đây là các lĩnh vực quan trọng, cần được ưu đãi thuế nhiều hơn.
“Cần áp dụng một mức thuế chung cho báo in, báo điện tử là 10%, thậm chí nên giảm nhiều hơn nữa", ông Ngân nói, đồng thời đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí trong 5 năm, hoặc áp thuế ở mức tối thiểu để ngành này vượt qua khó khăn.
Theo phân tích của vị đại biểu này, báo chí đóng góp lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí cũng góp phần đấu tranh chống lại thông tin xấu độc, phòng, chống tham nhũng, lãng phí..., nhờ đó tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nguồn thu của các cơ quan báo chí giảm sâu thời gian qua do chịu sức ép cạnh tranh từ mạng xã hội, trong khi ngành này phải tăng đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu phát triển trong kỷ nguyên số.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cũng cho rằng, cần giảm thuế sâu hơn, về mức 0% hoặc 5% với lĩnh vực báo chí.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) đề nghị giảm thuế với báo chí về cùng mức 10%, do đây không phải lĩnh vực kinh doanh, mà phục vụ chính trị, làm nhiệm vụ truyền thông, nên cần sự hỗ trợ, ưu đãi phù hợp.
“Vai trò của báo chí với xã hội rất lớn, nhưng các cơ quan báo chí hiện gặp rất nhiều khó khăn từ nguồn thu quảng cáo, từ sự cạnh tranh của mạng xã hội, phóng viên rất vất vả”, ông Nghĩa nói.
Vị đại biểu Phú Yên cho rằng, tách báo in áp thuế 10%, các loại hình báo chí khác 15% là bất hợp lý, vì doanh thu phát hành báo in hiện nay rất thấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhắc lại, tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông vừa qua, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc có nói đã tiếp thu theo hướng các loại hình báo chí áp dụng thuế 10%. Tuy nhiên, trong Dự thảo thì vẫn như cũ. Ngoài ra, trong báo cáo tiếp thu giải trình cũng không nói vấn đề này.
“Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng không nêu về vấn đề này. Chúng tôi nghĩ tiếp thu hay không tiếp thu thì cũng phải có ý kiến’, ông Vinh đề nghị.
Tranh luận gay gắt tăng thuế nước uống có đường
Với Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi, nhiều đại biểu ở các tổ thảo luận đều nhất trí tăng thuế với các mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá… như Dự thảo Chính phủ trình. Song cũng có ý kiến đề xuất phải cân nhắc lộ trình cụ thể. Riêng đồ uống có đường đang có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau.
Dự thảo bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5 gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, mức thuế suất là 10%.
Một số ý kiến cho rằng, đây là quy định cần thiết để bảo vệ sức khỏe người dân, ngược lại cũng có ý kiến nhận xét, quy định này không có căn cứ rõ ràng.
Thực tế, bệnh béo phì hiện nay không chỉ do đồ uống có hàm lượng đường trên 5gr/100ml. Cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh đồ uống này tác động tiêu cực đến sức khỏe trẻ em. Có nhiều sản phẩm không phải đồ uống có đường, nhưng lại có hàm lượng đường cao, có nguy cơ gây béo phì, nhưng lại không nằm trong danh sách đối tượng bị đánh thuế TTĐB.
“Cơ quan soạn thảo phải chứng minh thuyết phục tác động không mong muốn của đồ uống có hàm lượng đường trên 5gr/100ml trước khi đánh thuế. Nếu đã chứng minh được, thì phải có quy định đảm bảo bao phủ tất cả loại đồ uống tương tự khác (ví dụ bột nhập khẩu về pha thành đồ uống), tránh bị bỏ lọt hoặc thiếu công bằng”, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị.
Theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), việc tăng thuế với đồ uống có có hàm lượng đường trên 5 gr/100ml về lâu dài sẽ làm giảm thu ngân sách. Bà Ánh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nêu rõ cơ sở chứng minh việc áp dụng chính sách thuế TTĐB với mặt hàng nước giải khát có đường hàm lượng 5 gr/100ml có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và đạt được hiệu quả cho việc giảm tỷ lệ người thừa cân béo phì so với bánh, kẹo, ô mai...
Thực tế, nhiều nước đã đánh thuế đồ uống có đường, nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì lại tăng lên. Chưa kể, hiện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển sang các sản phẩm đồ uống ít đường hàm lượng dưới 5gr/100ml, nhưng vẫn có độ ngọt sẽ không phải chịu thuế. Do đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với doanh nghiệp trong nước sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, theo bà Ánh, chưa nên áp dụng thuế này với nước giải khát có đường.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, trong buổi thảo luận ở tổ nhấn mạnh, tăng thuế TTĐB với những mặt hàng có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường… là cần thiết.
Liên quan đến thuế đối với đồ uống có đường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, đã có bằng chứng đối với việc tăng lượng đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, tim mạch, loãng xương, béo phì…, từ đó làm tăng các nguy cơ các bệnh khác, trong đó có bệnh ung thư.
Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có đường tăng gấp 4 lần trong 15 năm vừa qua: từ 18,5l/người (năm 2009) lên 66l/người (năm 2023) là yếu tố góp phần tăng tỷ lệ béo phì ở thanh thiếu niên lên gấp đôi (từ 8,5% năm 2010, lên 19% năm 2020). Những người này có nguy cơ mắc bệnh mạn tính, rối loạn sức khỏe do thừa cân béo phì và ảnh hưởng đến cuộc sống sau này.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: "Việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là phù hợp với xu thế quốc tế và thực tế hiện nay. Ít nhất đã có 104 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia trong ASEAN áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường".
Bên cạnh đó, Bộ Y tế nhất trí với đề xuất của Chính phủ trong việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát theo TCVN; với các loại đồ uống khác sẽ có lộ trình về áp thuế sau khi đã thực hiện ổn định đối với nước giải khát có đường. “Tuy nhiên, về thuế suất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có ý kiến gửi Bộ Y tế đề nghị mức thuế TTĐB cao hơn so với mức đề xuất 10%”, bà Lan cho biết.
Theo Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), mặt hàng thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030.
Phương án được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình là đối với thuốc lá điếu sẽ tăng 5.000 đồng/bao (từ năm 2026), 6.000 đồng/bao (từ năm 2027), 7.000 đồng/bao (từ năm 2028), 8.000 đồng/bao (từ năm 2029), 10.000 đồng/bao (từ năm 2030).
Đối với xì gà tăng 50.000 đồng/điếu (từ năm 2026), 60.000 đồng/điếu (từ năm 2027), 70.000 đồng/điếu (từ năm 2028), 80.000 đồng/điếu (từ năm 2029), 100.000 đồng/điếu (từ năm 2030).