Doanh nghiệp
Giảm ngành nghề Nhà nước nắm 100% vốn
Nguyên Đức - 07/07/2013 07:20
Sẽ có một sự thay đổi không nhỏ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian tới, khi dự thảo quyết định liên quan đến vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
TIN LIÊN QUAN

Một trong những thay đổi lớn nhất là, trong thời gian tới, các lĩnh vực quản lý, khai thác cảng biển loại I, cảng hàng không, sản xuất thuốc lá điếu dự kiến được điều chuyển ra khỏi danh mục những ngành nghề Nhà nước nắm giữ 100% vốn, thay vào đó chỉ còn nắm trên 75% cổ phần, để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Khai thác cảng hàng không dự kiến được điều chuyển ra khỏi danh mục những ngành nghề Nhà nước nắm giữ 100% vốn

Tương tự, cũng sẽ loại bỏ một số ngành, lĩnh vực ra khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ vốn, như sản xuất sang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm; sản xuất xi măng lò quay có công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn/năm; sản xuất giấy in báo, giấy viết chất lượng cao; bảo hiểm…

“Quy định như vậy là để phù hợp với các luật chuyên ngành, khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư trong các ngành đó”, tổ soạn thảo Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ lý giải.

Như vậy, cùng với các tiêu chí cụ thể về các lĩnh vực mà Nhà nước cần nắm giữ trên 75%, 65-75% và 50-65% cổ phần, trong thời gian tới, cũng sẽ có những thay đổi trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN.

Thực ra, trước Dự thảo này, Việt Nam đã có 4 lần ban hành tiêu chí phân loại DNNN, trong đó, quyết định mới nhất là Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011. Hiện tại, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, công tác sắp xếp, đổi mới DNNN đang được tuân thủ theo Quyết định 14. Tuy nhiên, những bất cập đã bắt đầu nảy sinh.

“Một số đơn vị như Tập đoàn Công nghiệp cao su, Tổng công ty Giấy Việt Nam, các địa phương Tiền Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Đà Nẵng… đã có phương án sắp xếp hoàn toàn phù hợp với Quyết định 14. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ tại các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa còn khá cao. Do vậy, chưa có sự đổi mới về phương thức quản trị doanh nghiệp và chưa huy động tối đa được nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước”, một thành viên Tổ soạn thảo cho biết.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, tiến độ triển khai thực hiện việc sắp xếp, đổi mới DNNN còn khá chậm. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty đều đang triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DN không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn, nên mức độ hoàn thành rất thấp. Từ năm 2012 đến cuối tháng 5/2013, cả nước mới sắp xếp được 38 DN, trong đó cổ phần hóa 23 DN, sáp nhập, hợp nhất 10 DN, chuyển thành công ty TNHH MTV 3 DN và thành lập mới 2 DN.

Đáng nói hơn, cùng với việc cổ phần hóa không đạt kế hoạch đề ra, thì lại có những công ty sau cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm đến trên 95%, số cổ phần bán ra chủ yếu là bán cho người lao động được hưởng ưu đãi.

Khủng hoảng kinh tế và khó khăn của thị trường chứng khoán được cho là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa, đặc biệt là các DN có quy mô lớn, và niêm yếu trên thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Trong điều kiện hiện nay, việc thực hiện thoái vốn theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, thì việc thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, nhưng lại phải đảm bảo không gây thất thoát vốn nhà nước.

Liên quan đến việc sắp xếp, đổi mới DNNN, thời gian gần đây, liên tục có sự hối thúc từ các tổ chức quốc tế. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác Thị trường vốn lại một lần nữa cho rằng, thị trường chứng khoán đang rất cần những “hàng hóa có chất lượng” để thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

“Do đó, Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới, với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể”, ông Dominic nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác