Việc kiểm soát chặt gạo nhập khẩu sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng giả mạo xuất xứ gạo Việt Nam xuất khẩu, tránh được tổn thất với ngành gạo. |
Mới đây Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã tạm giữ hàng chục container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ Việt Nam của một doanh nghiệp tại Hà Nội (đăng ký làm thủ tục nhập khẩu qua cảng Cát Lái).
Theo khai báo trên tờ khai hải quan, lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ, nhưng qua kiểm tra thực tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, phát hiện toàn bộ số gạo nhập khẩu được đóng gói 50kg/bao, trên bao bì, nhãn mác thể hiện xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Cụ thể, trên bao bì mỗi bao gạo đều ghi rõ tên thương hiệu, địa chỉ nhà máy, địa chỉ doanh nghiệp tại Việt Nam; thành phần gạo 5% tấm...
Từ các thông tin kiểm tra, nghi vấn, có sự giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã lập biên bản chứng nhận, tạm giữ toàn bộ lô hàng để điều tra, xác minh làm rõ.
Cũng liên quan đến DN nhập khẩu gạo kể trên, tháng 3/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ từ lô hàng gạo xuất khẩu thuộc tờ khai số 3038... ngày 4/3/2021. Theo khai báo của doanh nghiệp này, lô gạo xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, qua kiểm tra phát hiện có dấu hiệu gian lận xuất xứ, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tạm dừng thông quan lô hàng này, lập biên bản chứng nhận, tạm giữ để xác minh làm rõ.
Thời gian gần đây, Việt Nam đã tăng nhập khẩu gạo từ Ấn Độ. Hồi đầu năm 2021, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, lần đầu tiên, quốc gia này xuất khẩu gạo sang Việt Nam. Các doanh nghiệp Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 70.000 tấn gạo 100% tấm cho các lô hàng giao tháng 1 và tháng 2/2021, với giá khoảng 310 USD/tấn, theo phương thức FOB cho đơn vị nhập khẩu Việt Nam.
Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), các loại gạo 5% tấm và 100% tấm nhập khẩu từ Ấn Độ được hưởng thuế suất 0%. Trong khi đó, giá 2 loại gạo này của Ấn Độ chỉ ở mức khoảng 400 USD/tấn và 280 USD/tấn, thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với giá gạo Việt Nam. Do đó, gạo Ấn Độ nhập khẩu về Việt Nam có giá cạnh tranh hơn rất nhiều so với gạo Việt Nam.
Gạo tấm có ưu điểm giá rẻ hơn các loại gạo nguyên hạt, có nhiều kích cỡ nên có thể sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm, tùy thuộc vào mục đích khác nhau. Loại gạo này cũng có thể sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho các nhà máy bia.
Dù vậy, nghi ngờ một số doanh nghiệp của Việt Nam đã nhập khẩu gạo từ Ấn Độ về để tiêu thụ trong nước, nhưng một phần đồng thời pha trộn thêm gạo trắng Việt Nam sau đó xuất khẩu ra nước ngoài với xuất xứ Việt Nam cũng có cơ sở khi một số khách hàng tại Trung Đông đã phản ánh về việc gạo trắng của Việt Nam gần đây rất xấu, cũ, chất lượng chỉ ở mức tương đương với gạo Ấn Độ.
Trước tình hình đó, các khách hàng này đã ngưng mua gạo của Việt Nam vì lo ngại mua phải gạo Ấn Độ mạo danh xuất xứ Việt Nam. Các khách hàng này cũng đưa ra những số liệu về lượng gạo từ Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam để dẫn chứng cho quyết định của mình.
Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, uy tín của gạo Việt Nam ngày càng được nâng lên trên thị trường quốc tế nhờ các DN đầu tư sản xuất bài bản, coi trọng chất lượng, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu quy chuẩn mà các thị trường khó tính nhất đặt ra, nên cần phải kiểm soát chặt gạo nhập khẩu để tránh giả mạo xuất xứ gạo Việt Nam, ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu tỷ USD.