Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Nói đến giám sát của Quốc hội cuối cùng là nói đến trách nhiệm giải trình, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2023, kết quả giám sát sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5/20223.
Theo kế hoạch, nội dung giám sát tập trung vào nguồn lực (vật lực, tài lực), gồm: Ngân sách nhà nước, Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, viện trợ ngoài nước, các chính sách tài khóa, các chính sách tiền tệ; nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.
Nhân lực, gồm: lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch được huy động trong ngành Y tế, Quân đội, Công an; lực lượng nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Trưởng đoàn giám sát, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hế hoạch đi giám sát đã được tính toán kỹ. TP.HCM và Hà Nội thì buộc phải đi vì đây là hai địa phương lớn, còn các vùng khác mỗi vùng sẽ chọn 2-3 tỉnh, tổnng cộng lại tối thiểu 8 tỉnh, tối đa 12 tỉnh.
Nhấn mạnh đây là chuyên đề mang tính thời sự rất cao, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc đến bối cảnh vụ Việt Á đang có tác động rất lớn, cần tập trung giám sát các nguồn lực, việc huy động nguồn lực chống dịch ở cả trong và ngoài nước.
Ông Cường cho rằng, cần có các tổ đi sâu đi sát để nắm thông tin về việc huy động nguồn lực ở nhiều nơi. "Như vừa rồi các tổ giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi địa phương cũng có rất nhiều vấn đề, đi mấy đợt mới ra được chứ đi thoảng qua thì không hiệu quả. Nên chăng thành lập các tổ như vậy, còn lãnh đạo đến chỉ để kết luận thôi. Tránh nghe 1 chiều báo cáo mà không có thông tin nhiều chiều", ông Cường góp ý.
Nhận xét kế hoạch giám sát chưa thấy nói tới trách nhiệm giải trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, nói đến giám sát của Quốc hội cuối cùng là nói đến trách nhiệm giải trình.
Trách nhiệm giải trình đây được hiểu là đối tượng được giám sát đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước chưa. Mặt nào tốt, mặt nào tồn tại yếu kém, và trách nhiệm của anh thế nào? Trách nhiệm ở đây là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm theo quy định pháp luật, trách nhiệm hành chính. Kể cả sai phạm thì có đề xuất cơ quan khác biện pháp xử lý, Chủ tịch Quốc hội giải thích.
Giám sát tối cao của Quốc hội phải đề cao trách nhiệm giải trình, Quốc hội sẽ kết luận bằng nghị quyết sau giám sát, để cơ quan hành pháp giải tỏa hết trách nhiệm giải trình, giám sát không làm thay cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, ông Vương Đình Huệ nói.
Với chuyên đề cụ thể trên, theo Chủ tịch Quốc hội thì đoàn giám sát không nên đi sâu vào "kiểm đếm" các con số mà tận dụng kết quả của cơ quan thanh tra, kiểm toán để xem những vấn đề gi cần làm rõ thêm, sâu hơn.
Một số vấn đề, theo Chủ tịch Quốc hội cần được làm rõ qua giám sát là với nguồn lực từ nước ngoài thì cần giám sát việc mua sắm, tiếp nhận, phân phối và quản lý vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế.
Với nguồn lực trong nước thì cần tập trung giám sát về nghiên cứu, sản xuất, chế biến, chế tạo vaccine, các vật tư thiết bị.
Vấn đề tự lực tự cường trong phòng chống dịch rất quan trọng, qua giám sát phải xem cái này đến đâu, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý là giám sát nhưng không được ảnh hưởng hoạt động bình thường của ngành y tế, không tạo thêm áp lực cho ngành này.
Theo kế hoạch, phạm vi giám sát được xác định là việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19: Trên phạm vi cả nước. Thời gian giám sát: từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/ 2022.
Việc Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng trên phạm vi cả nước, cùng thời gian như trên.