Theo báo cáo gần đây của tổ chức quốc tế bảo vệ đại dương và biển Ocean Conservancy, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới thải nhiều bao bì nhựa ra biển nhất. Lượng rác thải nhựa do Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thải ra biển chiếm 60% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.
Đóng góp vào phiên thảo luận Xây dựng hợp tác vì Mục tiêu phát triển bền vững: Rác thải, Lương thực và Các thành phố bền vững tại Hội nghị bàn tròn của châu Âu về Tiêu dùng và Sản xuất bền vững ERSCP 2019 vừa diễn ra tại Barcelona, Tây Ban Nha, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư, giảng viên Đại học RMIT Việt Nam đã chia sẻ hướng tiếp cận vấn đề này từ góc độ hành vi người tiêu dùng.
Tiến sĩ Thư cho biết, ước tính có tổng cộng khoảng 80 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày ở hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học tại phiên thảo luận của ERSCP 2019 |
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chiến dịch truyền thông xã hội nhằm nâng cao ý thức người tiêu dùng về ô nhiễm rác thải nhựa và giảm bớt tiêu dùng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Thư cho rằng, thay đổi hành vi người tiêu dùng không phải là chuyện dễ dàng.
Tiến sĩ Thư nhận định, nắm bắt đầy đủ về các yếu tố tâm lý nội tại cũng như các yếu tố xã hội bên ngoài tác động lên hành vi người tiêu dùng là điều cần thiết trước khi chúng ta có thể thúc đẩy thành công hành vi chủ động bảo vệ môi trường, chẳng hạn như mua thực phẩm có bao bì thân thiện môi trường, ngưng xả rác bừa bãi và giảm rác thải tiêu dùng.
Bà cho rằng, khuyến khích tiêu dùng bền vững phải bao hàm ý thức về các vấn đề môi trường, xây dựng cộng đồng hỗ trợ và thúc đẩy các hành động ý nghĩa.
Phần thuyết trình của Tiến sĩ Thư được các đại biểu đón nhận nồng nhiệt và tạo ra cơ hội hợp tác trong tương lai.
“Bằng cách trình bày về vấn đề nghiêm trọng trong khu vực này, tôi hy vọng thu hút được sự chú ý của các tổ chức ủng hộ môi trường để tìm hiểu sâu hơn các giải pháp có thể có, đồng thời tạo ảnh hưởng thiết thực lên Việt Nam và hơn thế nữa”, bà nói.