Đầu tư
Giảm thiểu rủi ro cho đầu tư ra nước ngoài
Anh Trung - 11/01/2019 09:49
Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) ngày càng lớn đang đặt ra những vấn đề liên quan đến giảm thiểu rủi ro và xây dựng hình ảnh nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài.

Hiệu quả dòng vốn ngày càng lớn

Với quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người còn khiêm tốn, hoạt động ĐTRNN của Việt Nam chưa phải xu thế có tính trào lưu như các nước phát triển.

Mạng Metfone - dự án do Viettel đầu tư tại Campuchia - là một điển hình thành công trong đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.

Tuy vậy, thời gian qua, Chính phủ vẫn có một số chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động ĐTRNN nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài để nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp với xu thế hội nhập. Bên cạnh đó là phát huy lợi thế của doanh nghiệp Việt, nhằm tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ cũng như nâng cao khả năng thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực quản lý.

Trao đổi vấn đề này tại Hội thảo về rủi ro của doanh nghiệp Việt khi ĐTRNN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận, Chính phủ chưa tự do hóa dòng vốn đầu tư, nhưng cũng đã có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ra nước ngoài để tận dụng những cơ hội thuận lợi từ bên ngoài cũng như phát huy những lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Đánh giá hoạt động ĐTRNN của Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn rộng hơn, xa hơn tới những địa bàn mới. Sau gần 30 năm, hoạt động ĐTRNN của Việt Nam ngày càng đa dạng, thể hiện rõ nét qua thị trường, ngành đầu tư, quy mô, hình thức đầu tư, các loại hình kinh tế và doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài phần nào minh chứng cho việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trong năm 2018, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm là hơn 430 triệu USD, lũy kế hơn 22 tỷ USD.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt đã và đang thu được trái ngọt ở thị trường ngoại. Có thể kể tới con số 1,3 tỷ USD lợi nhuận đã chuyển về Việt Nam kể từ khi ĐTRNN cho đến năm 2017 do Viettel công bố. Hay những thông tin tích cực từ các dự án đầu tư bên ngoài của Tập đoàn TH. Tập đoàn này chuẩn bị đón dòng sữa TH đầu tiên tại Nga.

Công cụ để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp

Theo đại diện của VCCI, bên cạnh những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, các quốc gia và cộng đồng tiếp nhận đầu tư, thì ĐTRNN, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nổi lên là những rủi ro liên quan đến môi trường và xã hội do nhu cầu về quỹ đất và lực lượng lao động lớn.

Rủi ro này càng trở nên rõ ràng hơn khi phần lớn các dự án đầu tư nông nghiệp của Việt Nam ra nước ngoài tập trung vào các quốc gia như Lào và Campuchia, nơi hệ thống đăng ký và quản lý đất đai chưa hoàn thiện và tập quán lao động chưa định hình rõ nét.

Những khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia tiếp nhận đầu tư này đã dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam trong khu vực.

Chính vì vậy, VCCI đã phối hợp với Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam và Trung tâm Con người và Thiên nhiên xây dựng Hướng dẫn tự nguyện: Giảm thiểu rủi ro về môi trường xã hội cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tiểu vùng Mekong.

Bộ tài liệu nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam, chính quyền sở tại và người dân địa phương nơi có các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực, tiên phong của các nhà đầu tư Việt Nam nói riêng và quốc gia Việt Nam nói chung trong việc hướng tới đầu tư có trách nhiệm, đặc biệt là đối với những tác động về môi trường và xã hội.

Hướng dẫn giúp cung cấp thông tin tổng thể về quy trình ĐTRNN từ Việt Nam đến nước nhận đầu tư thông qua từng bước đầu tư với những rủi ro môi trường - xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, giúp các nhà đầu tư nhận biết và áp dụng luật pháp, cơ chế, chính sách chính thức và phi chính thức liên quan đến ĐTRNN của Việt Nam và chính sách ĐTRNN, thu hút đầu tư nước ngoài của các nước tiếp nhận đầu tư. Các vấn đề về môi trường và xã hội phát sinh từ hoạt động đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng như cung cấp thông tin và địa chỉ hữu ích giúp các bên dễ dàng tiềm kiếm thông tin và kết nối.

Nhìn nhận về đầu tư bền vững của doanh nghiệp Việt Nam, ông Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách đầu tư (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đánh giá, nhiều doanh nghiệp hay nhắc đến việc tuân thủ quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn phát triển bền vững như việc phát sinh chi phí. Tuy nhiên, đây không phải là việc phát sinh chi phí, mà là một khoản đầu tư và có tiềm năng mang lại lợi nhuận, hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, hiệu quả kinh tế càng không thể tách rời phát triển bền vững.

Thử nghiệm Hướng dẫn tự nguyện

Hướng dẫn tự nguyện đã được triển khai thử nghiệm tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty Cao su Đắk Lắk. Hai đơn vị này được hỗ trợ xem xét các chính sách và thực hành môi trường xã hội của họ và xây dựng lộ trình để cải thiện theo các nguyên tắc trong Hướng dẫn.

Đại diện hai doanh nghiệp cho biết, họ đã ghi nhận những kết quả tích cực ban đầu, đặc biệt là cải thiện sự tham gia của họ với cộng đồng địa phương ở Lào và Campuchia.

Tin liên quan
Tin khác