Đơn giản hóa thủ tục
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư 03/2018/TT-BKHĐT ngày 17/10/2018 hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài (Thông tư 03).
Dự án Metfone của Viettel tại Campuchia đã gặt hái nhiều thành công. |
Thông tư 03 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018 và thay thế Thông tư 09/2015/TT-BKHĐT ngày 23/10/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài (Thông tư 09).
Thông tư 03 hướng dẫn các mẫu văn bản thực hiện các thủ tục về đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư số 67/2014/QH13, Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài và Nghị định số 124/2017/NĐ-CP ngày 15/11/2017 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.
Thông tư 03 ra đời nhằm chuẩn hóa thủ tục pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, vừa tạo thông thoáng, vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Thông tư 03 có một số điểm mới so với Thông tư 09, như mẫu bản đề nghị cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được đơn giản hóa, lược bỏ các nội dung giải trình không cần thiết đối với tính chất đăng ký của hồ sơ. Tuy nhiên, bổ sung nội dung kê khai về hình thức đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo xác định đúng các hình thức đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật. Đồng thời, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài cấp cho các dự án đầu tư ra nước ngoài được tách thành giấy cấp lần đầu và các giấy điều chỉnh; các giấy điều chỉnh là bộ phận không tách rời của giấy cấp lần đầu, thay vì các giấy điều chỉnh thay thế các giấy đã cấp trước đó.
Bên cạnh đó, cũng có những hướng dẫn cụ thể về các trường hợp thực hiện và không thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài…
Kể từ khi Nghị định 83/2015/NĐ-CP hướng dẫn về đầu tư ra nước ngoài được ban hành, việc mở rộng phạm vi đầu tư, kinh doanh ở nước ngoài của doanh nghiệp trong nước đã được tạo điều kiện thuận lợi hơn. Qua đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã ghi nhận những dấu ấn nhất định. Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện đã vượt ngưỡng 1 tỷ USD, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai...
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng năm 2018, cả nước có 121 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam là 297,3 triệu USD; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 47,1 triệu USD. Tính chung trong 10 tháng năm 2018, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 344,4 triệu USD. Tính lũy kế, đến nay, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam đạt hơn 22 tỷ USD.
Khai phá thị trường Cuba
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, trong 10 tháng năm 2018, Lào là địa bàn dẫn đầu với 97,6 triệu USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư; Australia xếp thứ hai với 50,2 triệu USD, chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Slovakia, Campuchia và Cuba.
Nhìn vào số liệu báo cáo, có thể thấy, Cuba đã vươn lên, lọt vào Top 5 thị trường nước ngoài được doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhiều nhất. Gần 20 triệu USD đăng ký đầu tư sang Cuba là con số không lớn, nhưng lại cho thấy một động thái rất mới của các doanh nghiệp Việt: sẵn sàng dốc vốn vào một thị trường cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất, đang bắt đầu giai đoạn mở cửa và hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Thông tin cho biết, đã và đang có một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường mới mẻ này. Chẳng hạn, Dự án Thăm dò dầu khí của Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP); hay Dự án Sản xuất tã lót, Dự án Sản xuất bột giặt tại Đặc khu Mariel của Công ty Thái Bình.
Bên cạnh đó, nhiều kế hoạch đầu tư khác cũng đang được thiết lập. Trong khi Hanel và đối tác Cuba muốn xây dựng một khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê, thì Công ty Vico muốn đầu tư một dự án sản xuất bột giặt. Trong khi đó, Viglacera đang nhắm đến dự án hợp tác sản xuất gốm sứ, Công ty Hưng Thắng có kế hoạch sản xuất nước đóng chai...
Trên thực tế, thông tin về thị trường tiềm năng Cuba đã được các doanh nghiệp Việt quan tâm từ lâu. Vài năm trước, nhiều dự báo đã cho rằng, sau Lào, Campuchia, Myanmar, thì Cuba sẽ nổi lên là điểm đến được nhiều doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn, bởi đây là thị trường mới bắt đầu giai đoạn mở cửa, với tiềm năng thị trường rất lớn. Chính phủ Cuba cũng đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư tại quốc gia này.
Dự báo này càng có cơ sở khi mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Đoàn công tác cùng một số doanh nghiệp Việt sang tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Cuba nhân dịp Hội chợ Quốc tế La Habana lần thứ 36 (FIHAV 2018).
Tại Diễn đàn Đầu tư lần thứ III của Cuba, trong khung khổ FIHAV 2018, nước chủ nhà đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước. Tại diễn đàn này, đại diện cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đều khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại với Cuba.
Cơ hội đang thực sự mở ra và ngày càng rộng hơn khi hai bên đang tiến tới ký kết một hiệp định thương mại song phương mới. Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên của Cuba với một đối tác châu Á. Khuôn khổ pháp lý mới này được kỳ vọng thúc đẩy hoạt động thương mại giữa hai nước sớm đạt mục tiêu 500 triệu USD/năm vào năm 2022, hơn gấp đôi so với mức bình quân của 5 năm vừa qua.
Đặc biệt, từ ngày 8 - 10/11, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba Miguel Mario Diáz Canel Bermúdez và phu nhân sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Trong khung khổ chuyến thăm, Chủ tịch Miguel Mario Diáz Canel Bermúdez sẽ có buổi tọa đàm với doanh nghiệp hai nước. Đây có thể là tín hiệu mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Cuba trong thời gian tới.