Y tế - Sức khỏe
Giảm thiểu rủi ro ngộ độc thực phẩm nhờ truy xuất nguồn gốc
D.Ngân - 30/11/2024 11:50
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là giải pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn ngừa thực phẩm bẩn và nâng cao niềm tin vào chất lượng sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ hiện đại 

Trong bối cảnh thị trường thực phẩm hiện nay, việc bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng trở nên cấp thiết, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với toàn xã hội.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là giải pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn ngừa thực phẩm bẩn và nâng cao niềm tin vào chất lượng sản phẩm.

Các vụ ngộ độc thực phẩm, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc liên tiếp xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin của người tiêu dùng.

Để đối phó với tình trạng này, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang trở thành một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là quá trình theo dõi, ghi nhận và cung cấp thông tin đầy đủ về hành trình của thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển đến khi đến tay người tiêu dùng.

Thông qua việc áp dụng các công nghệ hiện đại như mã vạch, QR code, RFID (nhận diện tần số vô tuyến), người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, chất lượng và các thông tin liên quan đến thực phẩm trước khi quyết định sử dụng.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định liên quan đến việc áp dụng truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và thương mại hàng hóa.

Các tiêu chuẩn quốc tế như GS1, ISO 22005 đang trở thành thước đo chung để đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.

Việc tuân thủ các tiêu chuẩn này giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện quy trình sản xuất mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản...

Ông Phó Đức Sơn, Chủ tịch Hội mã số mã vạch Việt Nam, cho biết giải pháp truy xuất nguồn gốc thông qua mã QR và hệ thống phần mềm được áp dụng xuyên suốt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiếp thị và phân phối, đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm bảo vệ sản phẩm, hàng hóa khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Đây là yêu cầu cấp bách cho việc tự động hóa toàn bộ quy trình truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm trong chuỗi chế biến, phân phối và minh bạch thông tin về thương hiệu hàng hóa, sản phẩm.

Ông Phó Đức Sơn mong muốn xây dựng một chuỗi thông tin đồng nhất, minh bạch và hiệu quả - một chuỗi không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Giải pháp truy xuất nguồn gốc cần gắn kết chặt chẽ với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Điều này không chỉ tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững mà còn mở ra những cơ hội giao thương và hợp tác quốc tế, giúp sản phẩm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.

Tăng cường kiểm tra, giám sát từ gốc

Nhằm bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng thời gian qua các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua cơ quan này đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay trên địa bàn. Kết quả cho thấy có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn và xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm cho thấy 190/190 mẫu đạt yêu cầu.

 Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết, để kiểm soát chất lượng nông, lâm, thủy sản từ nơi sản xuất đến bàn ăn, huyện đã và đang quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Thời gian tới, Thanh Trì tiếp tục yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo mô hình điểm, đề án an toàn thực phẩm theo kế hoạch của thành phố; tăng cường tuyên truyền, phổ biến văn bản, quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, lực lượng chức năng của huyện tăng cường kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện.

Còn ông Hồ Việt Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn thì nói rằng, huyện tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; nhân rộng các vùng sản xuất an toàn để kiểm soát chất lượng.

Ngoài ra, huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm tra đối với cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản xếp loại C không bảo đảm đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không có sự thay đổi, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Huyện Sóc Sơn cũng tăng cường giám sát, phòng chống ngộ độc thực phẩm, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng điều tra, xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn; đồng thời đôn đốc, hướng dẫn triển khai các mô hình điểm về an toàn thực phẩm, các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn.

Tin liên quan
Tin khác