Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) phát biểu tại tổ. |
Tại tờ trình dự án Luật, Chính phủ đề xuất hai loại giao dịch bất động sản phải qua sàn, gồm chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hoặc công trình hình thành trong tương lai và chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật. Còn các giao dịch khác được khuyến khích thông qua sàn.
Tuy nhiên, cả cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) và nhiều vị đại biểu đều chưa tán thành.
Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre), sàn giao dịch bất động sản là một trong những phương thức tiến bộ để giao dịch mua, bán, cho thuê nhà. Nhưng nếu Dự thảo quy định đây là kênh duy nhất để mua bán bất động sản, thì sẽ mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự.
Ông Sơn phân tích, theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp được quyền chọn hình thức kinh doanh, tìm kiếm thị trường và sử dụng các cách thức để kinh doanh, tiếp cận khách hàng. Doanh nghiệp cũng có thể mua bán thông qua giao dịch cá nhân, hoặc qua công ty trung gian. Còn Bộ luật Dân sự quy định, chủ thể tham gia giao dịch dân sự là tự nguyện.
Nếu chúng ta muốn kiểm soát để phòng chống tham nhũng trong chuyện mua bán bất động sản thì đó là lĩnh vực công. Không vì cái đó mà chi phối quyền của công dân trong tìm kênh thích hợp để mua bán bất động sản, ông Sơn bày tỏ quan điểm.
Vì thế, vị đại biểu Bến Tre đề nghị giao dịch qua sàn chỉ nên là một trong các phương thức, không quy định đây là kênh duy nhất để giao dịch bất động sản.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) góp ý, không nên bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn vì sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán và người mua phải chịu. Trong khi đó, hồ sơ dự án chưa có đánh giá tác động của việc bắt buộc mua bán qua sàn.
“Nội dung này từng bị bãi bỏ, nay khôi phục lại, trong khi Bộ luật Dân sự cũng không quy định, tôi cho là chưa hợp lý”, ông Định bày tỏ chính kiến và nhấn mạnh, quy định cần thiết hơn là công chứng các giao dịch bất động sản, thì lại không bắt buộc tại Dự thảo.
“Các nước phát triển (chẳng hạn như đa số các nước trong EU) đều quy định phải công chứng”, ông Định nói.
Theo đại biểu này, trong bối cảnh cơ sở dữ liệu công chứng quốc gia đang được xây dựng, hoàn thiện, chất lượng hoạt động công chứng ngày càng tốt hơn thì việc công chứng hiệu quả hơn nhiều trong việc ngăn ngừa các hành vi gian lận, tiêu cực.
“Sàn giao dịch thiên về môi giới, trong khi công chứng có ý nghĩa đảm bảo tính pháp lý. Công chứng không thay thế sàn, ngược lại, sàn cũng không thay được công chứng. Chỉ mua bán qua sàn giao dịch thì không đủ đảm bảo tính pháp lý”, ông Định nhìn nhận.
Đồng tình, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) nói, sàn giao dịch bất động sản trong nhiều trường hợp còn là sân sau của chủ đầu tư. Quan điểm của đại biểu là tất cả các giao dịch đều phải qua công chứng, chứng thực, trừ khi 2 bên mua bán đều là tổ chức.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế nêu, thực tế vừa qua giao dịch qua sàn bất động sản chưa quản lý được, xuất hiện nhiều hiện tượng “bắt tay” giữa chủ đầu tư và sàn giao dịch để nâng giá, đẩy giá bất động sản lên cao, gây sốt ảo thị trường. Mặt khác giao dịch qua sàn cũng tạo thêm khâu trung gian, phát sinh chi phí và chưa rõ tính pháp lý của các hợp đồng giao dịch qua sàn, liệu có thay thế được hợp đồng công chứng hay không.
Theo ông, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, không nên bắt buộc mọi giao dịch bất động sản phải qua sàn mà chỉ nên khuyến khích. Nếu các sàn giao dịch đi vào hoạt động bài bản, quy củ, minh bạch thì nếu tốn thêm chi phí người dân cũng chấp nhận, tự nguyện tham gia.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cũng đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, tức là trao quyền quyết định giao dịch bất động sản cho chủ đầu tư, để họ có quyền chọn, chứ không nhất thiết các giao dịch phải qua sàn
Trước khi các đại biểu thảo luận, trinh bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, cần phải tôn trọng quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản của doanh nghiệp và người dân.
Cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định bắt buộc các giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản như tại khoản 1 Điều 57 dự thảo Luật, mà chỉ quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch kinh doanh bất động sản thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản.