Chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại, tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, từ quản trị, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện, như 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Báo Đầu tư phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử Đầu tư với chủ đề: “Chuyển đổi số ngành Y tế: Làm gì để người dân được lợi”, từ 9h đến 11h, thứ Năm, ngày 21/10/2021. |
Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Đến nay, đã có 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Một thành tựu nữa của ngành Y tế khi thực hiện chuyển đổi số là xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế.
Nhiều cơ sở y tế cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng rô-bốt trong y tế; thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại một số bệnh viện.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc cuộc Giao lưu |
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, chuyển đổi số trong ngành Y tế càng trở nên cấp thiết.
Tầm nhìn tới năm 2030 mà ngành Y tế đặt ra là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong ngành Y tế thời gian qua đã đem lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở y tế và người dân, người bệnh. Tuy vậy, thực tế công tác này vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, khiến cho kết quả, hiệu quả nhiều hoạt động chưa đạt kỳ vọng.
Thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có các giải pháp cụ thể nào để tăng hiệu quả chuyển đổi số, nâng hiệu quả công tác khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến?
Ban Biên tập Báo Đầu tư chụp ảnh lưu niệm cùng các khách mời |
Những vướng mắc chính sách nào cần được tháo gỡ trong quá trình thực hiện chuyển đổi số để việc khám chữa bệnh của người dân được nhanh gọn, thuận lợi, rút ngắn thời gian và cả chi phí? Hay nói ngắn gọn, làm gì để người dân hưởng lợi từ chuyển đổi số ngành Y tế?
Nhằm góp một phần giải đáp các câu hỏi này, Báo Đầu tư phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Giao lưu trực tuyến trên Báo điện tử Đầu tư với chủ đề: “Chuyển đổi số ngành Y tế: Làm gì để người dân được lợi”, từ 9h đến 11h, thứ Năm, ngày 21/10/2021.
Các vị khách mời tham dự buổi Giao lưu trực tuyến có mặt tại Tòa soạn Báo Đầu tư, gồm:
* PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế
*PGS.TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế
*TS.BS. Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E
*TS.BS. Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chỉ đạo tuyến, BV Tai mũi họng Trung ương
Các vị khách mời sẽ giải đáp các câu hỏi từ quý độc giả, người dân, người bệnh về quá trình khám chữa bệnh khi các bệnh viện thực hiện chuyển đổi số cũng như đóng góp các ý kiến nhằm tăng hiệu quả công tác chuyển đổi số tại các bệnh viện.
Quý độc giả, người bệnh, nhân dân quan tâm có thể đặt câu hỏi về các nội dung trên cho các vị khách mời theo mẫu dưới đây.