Một đoạn cao tốc Bắc - Nam, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45. |
Hành trình cao tốc Bắc - Nam từ TP. HCM đến Khánh Hoà dài khoảng 380 km, tuy nhiên, mới chỉ có một trạm dừng nghỉ đang được khai thác ở đoạn Long Thành – Dầu Giây (tại huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) và một số trạm dừng nghỉ tạm để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho lái xe. Tương tự, suốt đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Tĩnh dài 206 km cũng mới chỉ có các trạm dừng nghỉ tạm.
Bất cập cao tốc thiếu trạm dừng nghỉ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, phương tiện lưu thông với tốc độ càng lớn thì tinh thần lái xe càng căng thẳng và thời gian điều khiển phương tiện trên cao tốc tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông.
Nếu chạy xe trên đường cao tốc liên tục 2 giờ thì cả người và xe được khuyến nghị cần nghỉ ngơi 15 phút. Vì thế, việc bố trí, thiết kế các cơ sở dịch vụ nói trên luôn là vấn đề cấp thiết, cần đặc biệt được quan tâm, đề cập ngay từ khi lập dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc.
Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729:2012 yêu cầu thiết kế đường cao tốc ô tô, khoảng từ 15 - 25 km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Khoảng từ 50 - 60 km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).
Khoảng cách từ 120 - 200 km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn). Nếu so với bảng quy chuẩn trên thì hơn 2/3 các tuyến cao tốc của Việt Nam đã đưa vào khai thác hiện chưa đáp ứng.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho hay, do hạn chế nguồn vốn đầu tư nên các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được phân kỳ đầu tư với 4 làn xe hạn chế. Hạng mục trạm dừng nghỉ được tách ra làm dự án riêng để đầu tư theo hình thức xã hội hóa thay vì sử dụng vốn ngân sách.
Ngoài ra, do các quy định của pháp luật giai đoạn trước đây về đầu tư, kinh doanh và khai thác trạm dừng nghỉ chưa đầy đủ, rõ ràng nên việc triển khai đầu tư trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể bảo đảm khai thác đồng bộ, phục vụ người dân đối với một số đoạn mới hoàn thành đưa vào khai thác.
Nói về việc thiếu trạm dừng nghỉ trên dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2, Luật sư Phạm Thanh Tuấn - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, mặc dù chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua từ năm 2022 tại Nghị quyết số 44/2022/QH15, nhưng quy hoạch mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc này mãi đến ngày 31/7/2023 mới được phê duyệt với tổng số 36 trạm. Trong số đó có 7 trạm đã đưa vào khai thác, 2 trạm đang đầu tư xây dựng và 27 trạm chưa đầu tư.
“Do nguồn vốn đầu tư, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư khác nhau đã dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu xây dựng dự án đường bộ cao tốc và lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ không đồng bộ. Dự án đường bộ cao tốc đã xây dựng xong, nhưng quá trình tìm kiếm các nhà đầu tư trạm dừng nghỉ mới đang thực hiện ở những bước đầu”, ông Phạm Thanh Tuấn nói.
Thực tế này tại Việt Nam đang đi ngược với nhiều nước phát triển trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Ở các quốc gia này, quá trình xây dựng các tuyến cao tốc được tiến hành song song với xây dựng các trạm dừng nghỉ để đảm bảo đồng bộ khi cao tốc đi vào hoạt động. Các trạm dừng nghỉ được quy hoạch không chỉ là nơi nghỉ ngơi tái tạo năng lượng cho người tham gia giao thông, cấp nhiên liệu cho các phương tiện sau quãng đường dài, mà còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phát triển vùng miền, trở thành điểm nhấn về cảnh quan, văn hoá cho địa phương và khu vực.
Với sự an toàn, tiện ích khi lưu thông trên đường cao tốc có trạm dừng nghỉ còn góp phần thu hút người tham gia giao thông yên tâm lựa chọn tuyến đường, tăng lưu lượng phương tiện, tăng hiệu quả khai thác công trình.
Đợi thông cơ chế
Từ đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc xây dựng Thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương triển khai các các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc.
Bộ GTVT khẳng định từ nay đến cuối năm 2025, toàn bộ trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc Bắc - Nam mới đi vào khánh thành và các đoạn cao tốc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành theo đúng quy hoạch để đưa vào khai thác, vận hành phục vụ đồng bộ cùng tuyến.
Dù sao đến nay bất cập về quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, các quy định pháp luật trong lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ cơ bản đã và đang được quan tâm điều chỉnh, song các chuyên gia cho rằng vẫn còn những điểm chưa thỏa đáng, bao gồm việc tại sao không để doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc chủ động xây dựng các trạm dừng nghỉ đối với dự án PPP?
Doanh nghiệp PPP khi tham gia dự án đã phải vượt qua những yêu cầu khắt khe năng lực và kinh nghiệm, nếu kết hợp triển khai trạm dừng nghỉ thì sẽ đảm bảo yếu tố quy hoạch tổng thể, giảm thiểu thời gian xây dựng trạm, đảm bảo trạm dừng nghỉ được hoàn thành, khai thác đồng bộ với công trình dự án để phục vụ người dân. Mặt khác, để nhà đầu tư tham gia đầu tư trạm dừng nghỉ cũng là giải pháp thúc đẩy các dự án PPP khả thi thu hút các nhà đầu tư, thay vì như hiện nay, nhà đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng không được kinh doanh trạm dừng nghỉ trong phương án hoàn vốn.
Theo PGS. TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, việc xã hội hóa trong xây dựng vận hành các trạm dừng nghỉ là hết sức cần thiết. Khi giao việc xây dựng cho các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí đầu tư từ ngân sách. Hơn nữa, doanh nghiệp đầu tư sẽ phát huy tính sáng tạo từ không gian kiến trúc, vận hành kết hợp quảng bá các sản vật, văn hoá địa phương”.
PGS. TS Trần Chủng gợi ý, đối với các dự án cao tốc BOT, Nhà nước có thể giao luôn cho doanh nghiệp đầu tư chủ động xây dựng các trạm dừng nghỉ. Đối với các dự án cao tốc mà Nhà nước đầu tư, các địa phương có thể phê duyệt dự án tiến hành đấu thầu kêu gọi đầu tư. Nhà nước có vai trò kiểm tra giám sát đảm bảo các trạm dừng nghỉ đáp ứng quy chuẩn, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Tại điểm c khoản 1 Điều 52 Dự thảo Luật Đường bộ đang được trình Quốc hội nêu “Đối với dự án đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, chi phí đầu tư, xây dựng các hạng mục trạm dừng nghỉ không có mục đích kinh doanh được tính trong tổng mức đầu tư dự án. Nhà đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có trách nhiệm tự bố trí nguồn vốn để đầu tư các hạng mục trạm dừng nghỉ có mục đích kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Nội dung này tới đây nếu được thông qua sẽ góp phần quan trọng “khơi thông” cơ chế để xã hội hoá nguồn lực đầu tư các trạm dừng nghỉ trong tương lai.
Ông Đặng Văn Chung - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (thuộc Tổng cục Đường bộ) nhấn mạnh, trong khi chờ các tuyến cao tốc đủ chuẩn hoàn thiện thì cơ quan chức năng nên rà soát, những tuyến đường nào có thể tận dụng mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân. Với các trạm dừng đã có trong quy hoạch, cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh quá trình triển khai.
“Khi đã có tiêu chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ rồi, chọn hình thức xã hội hóa rồi phải tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể”, ông Đặng Văn Chung nói thêm.
Các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, còn tình trạng nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ manh mún, thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, chỉ đấu thầu để giành quyền kinh doanh nhưng không thực sự chú trọng vai trò cốt lõi của trạm dừng nghỉ là nơi nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng cho người dân tham gia giao thông… Đặc biệt, khi công trình hoàn thành còn kết nối với các trung tâm thương mại, logistics thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Do đó, cơ quan có thẩm quyền khi lựa chọn nhà đầu tư cần phải lựa chọn được đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, vận hành khai thác để đề xuất quy hoạch các trạm dừng nghỉ. Ngoài ra, cần tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để đảm bảo an toàn, hiệu quả khai thác.