Giáp Văn Đại, CEO PFM Global |
5 năm trước, Nami đã ra đời trong ý tưởng của Giáp Văn Đại, khi đó đang loay hoay với các dự án kinh doanh của MUAEA, công ty được Đại thành lập năm 2012 để triển khai mô hình Co-working Space tại Hà Nội. Đối tượng mà MUAEA hướng đến là những người khởi nghiệp với số vốn và kinh nghiệm hạn chế.
Nhưng dường như, MUAEA cũng rơi vào tình cảnh không khác những người khởi nghiệp và cuối cùng, như Đại nói, đành phải chấm dứt MUAEA trong bế tắc.
“Nhưng Nami thì không, vì đó luôn là phần yêu thích nhất của tôi, sở trường của tôi”, Đại kể về khởi điểm của Nami – trợ lý ảo đang được Đại gửi gắm cả kiến thức và niềm đam mê công nghệ.
Chính Nami là lý do để Giáp Văn Đại một lần nữa trở thành CEO, lần này là Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ cao toàn cầu (PFM Global) và mong muốn chinh phục mảng công nghệ tài chính (Fintech) bắt đầu được hiện thực hóa.
Hoạt động của PFM Global là mở các sàn giao dịch tiền tệ, chứng khoán hay thậm chí là tiền ảo ở nước ngoài. Khác với sàn giao dịch truyền thống, trong đó cá nhân hay tổ chức lập sàn rồi thuê người điều hành, sàn giao dịch của PFP Global do cộng đồng xây dựng.
Trong thế giới của fintech, Nami bắt đầu có đất dụng võ.
Nami là một phần mềm phân tích tài chính được lập trình như một con người, thông qua việc xử lý ngôn ngữ, nhận nhiệm vụ được giao, xử lý và phản hồi.
Hiện Nami chạy trên nền tảng Facebook Messenger, có khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên để nhận, hiểu và phản hồi nhiệm vụ mà nhà đầu tư đưa ra thông qua các câu chat, tương tác trực tiếp trên Messenger. Chỉ cần gõ @namipfm vào khung tìm kiếm Facebook, truy cập vào fanpage Nami Assistant và bắt đầu gửi tin nhắn là cuộc hội thoại bắt đầu.
Nami sẽ quan sát kỹ năng của nhà đầu tư thông qua quan sát lịch sử giao dịch của người dùng, từ đó đưa ra gợi ý nhắc nhở để nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu suất lợi nhuận...
“Nami có thể giúp nhà đầu tư xem biểu đồ, đưa tin tức có liên quan và đánh giá xu hướng dài hạn cũng như ngắn hạn của các danh mục nhà đầu tư đang quan tâm”, Giáp Văn Đại mô tả về trợ lý ảo Nami.
Nami có hai tính năng là miễn phí và trả phí. Với tính năng miễn phí, người dùng có thể kiếm tra chỉ số giá vàng, chỉ số cặp tiền tệ, chỉ số hàng hoá mức độ tăng giảm biến động trên thị trường, gửi tin tức liên quan hay thông báo khi chỉ số giá đã chạm ngưỡng. Với tính năng trả phí, người dùng bỏ thêm 40 USD mỗi tháng để đặt lệnh mua bán trực tiếp, xác định các lệnh đang lãi hoặc lỗ, kiểm tra số dư tài khoản.
“Ban đầu, chúng tôi muốn hướng tới thị trường trong nước. Nhưng, số lượng nhà đầu tư ở Việt Nam chưa lớn, vẫn dưới mức 1 triệu người, nằm rải rác, sẽ khó cho bài toán vận hành của doanh nghiệp mới như chúng tôi, do chi phí sẽ tốn kém. Trong khi 45% dân số Mỹ tham gia thị trường chứng khoán. Tỷ lệ này ở châu Âu cũng tương tự. Chúng tôi quyết định chuyển hướng sang khách hàng VIP trên thế giới. Đó là những người sẵn sàng chi khoản tiền lớn để hưởng những dịch vụ đặc biệt, như nói chuyện với chuyên gia”, Giáp Văn Đại kể.
Chỉ sau hơn ba tháng chính thức đưa vào hoạt động, trợ lý ảo Nami đã có hơn 22.000 người sử dụng.