Sức khỏe doanh nghiệp
Gilimex muốn thoái toàn bộ vốn tại Công ty bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Duy Bắc - 05/07/2022 09:00
CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã GIL - sàn HoSE) thông qua kế hoạch chuyển nhượng vốn tại đơn Công ty liên kết.

Gilimex thoái toàn bộ 25,91% vốn tại CTCP Dệt May Gia Định

Theo đó, Công ty dự kiến chuyển nhượng 25,91% vốn điều lệ tại CTCP Dệt May Gia Định và ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT thực hiện việc chuyển nhượng.

Tính tới 31/3/2022, GIL đang sở hữu 25,91% vốn điều lệ tại CTCP Dệt May Gia Định và ghi nhận đầu tư vào Công ty liên kết, đơn vị có địa chỉ tại số 10-12-14-16 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP. HCM.

Trong Báo cáo thường niên năm 2021, Gilimex cho biết, CTCP Dệt May Gia Định có vốn điều lệ là 627,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo tìm hiểu, CTCP Dệt May Gia Định tiền thân là Xí nghiệp Dệt số 3, đến năm 1992, Công ty được thành lập, chủ tịch HĐQT là ông Đoàn Văn Sơn và Tổng giám đốc là ông Lê Huỳnh Gia Hoàng.

Thêm nữa, tính tới 31/12/2022, CTCP Dệt May Gia Định có 3 cổ đông lớn gồm Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM sở hữu 49% vốn điều lệ; GIL sở hữu 25,91% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim sở hữu 14,24% vốn điều lệ và còn lại 10,85% thuộc về nhóm cổ đông khác.

CTCP Dệt May Gia Định đang sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ tài sản dài hạn

Theo Báo cáo tài chính riêng năm 2021 của CTCP Dệt May Gia Định, Công ty ghi nhận doanh thu giảm 76% so với cùng kỳ về 42,37 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 59,07 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 36,4 tỷ đồng.

Trong đó, đáng chú ý Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp giảm thêm 7,45 tỷ đồng về lỗ 17,34 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 4,17 tỷ đồng và ghi nhận âm 3,66 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận tăng 23,5% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 8,51 tỷ đồng lên 44,7 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, với việc kinh doanh dưới giá vốn, Công ty đã ghi nhận lỗ trong năm 2021 là 59,07 tỷ đồng và nâng tổng lỗ lũy kế tới 31/12/2021 lên 485,7 tỷ đồng và bằng 77,4% vốn điều lệ (vốn điều lệ 627,4 tỷ đồng).

Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của CTCP Dệt May Gia Định giảm 5,3% so với đầu năm về 527,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu đầu tư tài chính dài hạn đạt 225,5 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn đạt 159,1 tỷ đồng, chiếm 30,2% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 78,1 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng tài sản và các tài sản khác.

Điểm đáng lưu ý, tính tới cuối năm 2021, Công ty đang ghi nhận tài sản ngắn hạn là 63,2 tỷ đồng và nợ ngắn hạn là 223,2 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 160 tỷ đồng. Điều này cho thấy, Công ty đang có sự mất cân đối kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

Về Báo cáo kiểm toán năm 2021, kiểm toán viên đã nhấn mạnh ba vấn đề chính bao gồm:

Thứ nhất, Công ty đã bị thu hồi hai khu đất tại địa chỉ số 354, đường Bến Chương Dương, Phường Cầu Kho, Quận 1, TP. HCM theo Quyết định số 1840/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP. HCM ngày 21/5/2021; và khu đất tại địa chỉ số 14, đường Phú Châu, Phường Tam Phú, TP. Thủ Đức theo Quyết định số 1206/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP. HCM ngày 8/4/2021.

Thứ hai, hiện nay, Công ty đang thực hiện khởi kiện liên quan tới các mặt bằng thuộc quyền quản lý của Công ty. Vấn đề này đang được Ban điều hành xử lý giải quyết với khách hàng về việc yêu cầu bàn giao mặt bằng và thanh toán các khoản tiền thiệt hại (nếu có).

Và thứ ba, khả năng hoạt động liên tục khi tới ngày 31/12/2021, Công ty còn nợ tiền thuế, tiền phạt thuế, tiền phạt chậm nộp thuế với tổng giá trị 87,9 tỷ đồng. Cơ quan Thuế đã và đang thực hiện các biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tiền nợ thuế nêu trên tại Công văn số 4340/TB-CTTPHCM của Cục Thuế TP. HCM ngày 1/4/2022. Các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu GIL giảm 1.400 đồng về 55.200 đồng/cổ phiếu.

Tin liên quan
Tin khác