Đầu tư và cuộc sống
Gìn giữ văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập
Thanh Nga - 10/10/2019 09:09
65 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, đi cùng sự phát triển về kinh tế, đô thị, Hà Nội cần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Xin gửi tới độc giả suy nghĩ của 2 nhà báo, nhà văn, nhà thơ thuộc 2 thế hệ khác nhau về việc gìn giữ văn hóa Hà Nội trong dòng chảy hội nhập.
Lá quốc kỳ tung bay trên Cột cờ Hà Nội ngày 10/10/1954 đã đánh dấu thời khắc lịch sử giải phóng Thủ đô, mở ra một thời kỳ mới của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

"Mỗi công dân cần có trách nhiệm nhân lên những điều tốt đẹp"
Nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Hơn một ngàn năm trước, vua Lý Công Uẩn với sự trợ giúp của thiền sư Vạn Hạnh đã cho rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đây là cuộc thiên di có ý nghĩa lịch sử và tính chiến lược lớn, tạo đà để Hà Nội phát triển bền vững, hùng mạnh như ngày hôm nay. Điều này đã được cha ông gửi gắm ngay trong chính tên gọi của 4 cửa thành (Cửa Bắc: Diệu Đức, Cửa Đông: Tường Phù; Cửa Nam: Đại Hưng, Cửa Tây: Quảng Phúc).

Đất trời đã ban tặng Hà Nội những điều rất đặc biệt. Đó là mùa thu vô cùng đẹp và thật trùng lặp khi các sự kiện có ý nghĩa lịch sử như Cách mạng Tháng Tám thành công, Giải phóng Thủ đô... đều diễn ra vào mùa thu. Như thế, vẻ đẹp của thiên nhiên mùa thu Hà Nội còn cộng hưởng cùng vẻ đẹp của mùa thu thời đại, nên thời khắc này càng trở nên thiêng liêng và ý nghĩa.

Hà Nội có những mặt hồ rộng lớn, vừa giống như lá phổi xanh của Thành phố, vừa tạo nên cảnh quan hết sức đặc sắc. Văn hóa ẩm thực của Hà Nội phong phú, đã đạt đến độ tinh hoa với các món phở, bún thang, bánh cuốn, giò chả…. Vẻ đẹp thanh lịch của người con gái Hà Nội là nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn nghệ sỹ sáng tạo nên những tác phẩm đặc sắc.

Hà Nội còn có sự đan cài nét duyên dáng giữa làng và phố. Phố nào cũng có đình chùa, có hàng thủ công mỹ nghệ, có những món ăn ngon, có những rộn ràng và trầm mặc. Dường như, tinh hoa của cả nước đều tập trung về Hà Nội, người ta đã gánh những gánh làng quê lắc lẻo về với kinh thành. Điều đó mang lại đặc trưng tính cách của người Hà Nội và rất đáng tự hào, nhưng cũng đặt chúng ta trước nhiều khó khăn để gìn giữ những tinh hoa đã làm nên nét đặc trưng văn hóa Hà Nội.

Đi đầu trong công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước, Hà Nội đã có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo tôi, trong nhiều năm qua, chúng ta đã có phần “nông thôn hóa” Hà Nội, làm cho Hà Nội bị xấu xí bởi tư tưởng hạn hẹp, vội vàng; bởi kiến trúc thiếu tính quy hoạch... Hà Nội được mệnh danh là “thành phố vì hòa bình”, nhưng chúng ta vẫn thấy đâu đó những tiếng chửi thề, cãi lộn, những va chạm không đáng có…, làm khuất lấp đi nét thanh lịch của đất Tràng An.

Theo tôi, đã đến lúc chúng ta, mỗi công dân Thủ đô cần có trách nhiệm nhân lên những điều tốt đẹp, hạn chế những cái xấu còn tồn tại đâu đó. Đặc biệt, với những nhà lãnh đạo, cần có cái nhìn có tâm và có tầm khi đưa ra những chính sách về văn hóa trong dài hạn, để đi cùng sự phát triển về kinh tế, đô thị, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa đẹp của vùng đất ngàn năm văn hiến.

"Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất"
Nhà văn, nhà báo Uông Triều

Hà Nội có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa, mỗi con đường, dòng sông dường như đều mang dấu ấn của cả một truyền thống lâu đời. Đây cũng là nơi hội tụ của rất nhiều trí thức, văn nghệ sỹ và những gì gọi là tinh hoa nhất của cả nước.

Hà Nội tự thân nó đã có vô vàn điều hấp dẫn về văn hóa. Không nơi nào có nhiều đền chùa, di tích lịch sử như ở đây, cũng không có nơi nào mà mật độ phố xá và dân cư quần tụ đông đúc đến vậy. Hà Nội còn có nhiều cây xanh và các món ăn. Cộng hưởng tất cả những điều đó, Hà Nội trở thành một trong điểm thu hút bậc nhất với nhiều người, và tôi cũng là một trong số đó.

Được sống và làm việc ở Thủ đô là một điều may mắn. Tôi yêu không gian hoài cổ của Hà Nội, yêu dư vị dân dã mà cũng rất đậm đà của các món ăn đường phố Hà Nội. Nơi đây không quá náo nhiệt như TP.HCM, không quá lặng lẽ, yên ắng như Đà Lạt. Hà Nội đủ lớn, đủ đông vui và cũng đủ trầm tĩnh ở những cung bậc nhất định. Tất cả những điều đó hấp dẫn, cuốn hút tôi. Tôi viết vì lòng mong muốn khám phá và cũng để lan truyền, giữ gìn những nét đẹp riêng của Hà Nội mà không nơi nào có được.

Nhưng, Hà Nội ngày càng quá đông đúc và xô bồ. Có phải Thủ đô đang phát triển quá nhanh và quá nóng? Đông người dồn tụ, đô thị hóa quá nhanh là điều không tránh khỏi. Cây xanh và các khoảng trống mất dần, đâu đâu cũng là nhà cao tầng, xe cộ. Đường phố chật như nêm và rất khó tìm được những khoảng thanh bình để hít thở. Thành phố phát triển nhanh thì có lợi cho kinh tế, nhưng hạ tầng và văn hoá thì không bắt kịp.

Tôi thấy buồn khi nhiều di tích lịch sử - văn hóa như đền, chùa, miếu mạo trong nội đô bị chiếm dụng, hè phố ken đặc hàng hoá. Nét thanh lịch của người Hà Nội ngày càng khó kiếm tìm. Người ta càng ngày càng vội vã, dễ nóng giận. Tôi từng nói rằng, thành phố ngàn năm tuổi này giờ bỗng dưng như một cậu bé mới lớn, mọi thứ dường như khó kiểm soát, cơn bốc đồng tuổi trẻ, sự thiếu trải nghiệm, thiếu lắng sâu dường như đang bào mòn nét đẹp của Thành phố rất nhanh.

Theo tôi, chỉ khi nào dân cư Thành phố cảm thấy nơi này là của chính mình, chứ không phải của hàng xóm hay người nào khác, thì việc giữ gìn cảnh quan môi trường và những nét đẹp văn hóa của Hà Nội mới khả thi. Thành phố cần có một tầm nhìn chiến lược và chuyên nghiệp hơn nữa. Những cảnh “nay xây, mai phá” hoặc sửa chữa là biểu hiện của việc thiếu một chiến lược dài hơi và tính bốc đồng, dễ dãi vẫn còn phổ biến. 

Tôi nghĩ, đã đến lúc đừng hô hào chung chung, mà hãy bắt đầu từ những việc thật nhỏ, nhưng làm thật chuyên nghiệp. Chỉ khi nào ta tận tâm với những điều nhỏ nhất, thì sự đẹp đẽ và hài hòa của không gian lớn lao mới hình thành. Những kế hoạch lớn mà làm ẩu từ những khâu rất nhỏ, thì cũng thất bại.

Về cứ loanh quanh việc nọ
Tin liên quan
Tin khác