Mặc dù phải đối mặt với các khó khăn và thách thức về nguồn lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất và những biến động về địa chính trị, xung đột kinh tế, Việt Nam vẫn thấy rất nhiều cơ hội đang mở ra từ việc dịch chuyển làn sóng đầu tư và những thay đổi về cấu trúc trật tự thương mại.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2021, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng đạt 2,58%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6% so với năm 2020, đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD, xuất khẩu tăng 19%, đạt 336,25 tỷ USD. Vừa qua, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 350 tỷ USD.
"Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các nhà đầu tư quốc tế tin tưởng Việt Nam để mở rộng đầu tư, xem Việt Nam là điểm đến cho những dự định tương lai", ông Hoàng nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Toạ đàm kết nối đầu tư được tổ chức tại TP.HCM sáng 1/3/2022 (Ảnh: Lê Toàn). |
Đến nay, Việt Nam có trên 34.642 dự án FDI đang hoạt động, với tổng vốn trên 415,6 tỷ USD của các nhà đầu tư đến từ 141 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việt Nam hiện đang được UNCTAD đưa vào Top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng đạt mức 6,6% trong năm 2022, cao hơn so với các nước Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.
“Toạ đàm kết nối đầu tư” được tổ chức tại TP.HCM sáng 1/3/2022 có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long, Đắk Nông, Tổng Lãnh sự Nhật Bản, Chủ nhiệm Văn phòng kinh tế & văn hóa Đài Bắc,….
Toạ đàm này được xem là cơ hội để kết nối ngoại giao đa phương giữa địa phương với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng như thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng.
Các đại biểu tham dự Toạ đàm kết nối đầu tư sáng 1/3/2022 (Ảnh: Lê Toàn). |
Ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định, Việt Nam cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp FDI tiến hành đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam.
Trong đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (IPCS) sẽ là đầu mối duy trì kênh liên lạc thường xuyên giữa địa phương, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để chia sẻ thông tin nhất quán, kịp thời và nâng cao tính liên kết Vùng cũng như hiệu quả trong việc triển khai công tác xúc tiến.
Với vai trò là cánh tay nối dài của Cục Đầu tư nước ngoài, bà Trần Thị Hải Yến, Giám đốc IPCS cho biết trong năm nay, Trung tâm có một số các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp theo đơn đặt hàng cũng như đề xuất yêu cầu từ phía các Cơ quan ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp và một số địa phương.
Về phía cơ quan ngoại giao, IPCS sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ đưa các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát môi trường đầu tư tại một số địa phương.
Bà Trần Thị Hải Yến thông tin về chương trình hợp tác với các cơ quan ngoại giao cũng như các địa phương trong năm 2022 (Ảnh: Lê Toàn). |
Cụ thể, đơn vị này phối hợp với Tổng lãnh sự quán Ấn Độ xây dựng chương tình, hội nghị, toạ đàm xúc tiến đầu tư liên quan đến cảng biển, logistics, dược phẩm, bảo đảm an toàn hàng hải với một số các tỉnh thành phía Nam.
Ngoài ra, IPCS sẽ phối hợp với Thương vụ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự chương trình Select USA do Thương vụ Hoa Kỳ tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Mỹ.
Cùng với đó, IPCS phối hợp với KOTRA Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc xây dựng chương tình dẫn đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến một số địa phương để khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư trong ngành nông nghiệp công nghệ cao, nhà máy sản xuất thiết bị, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đồng thời, IPCS sẽ cùng Tổng lãnh sự quán Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản kết nối với địa phương, tìm hiểu cơ hội đầu tư trong mảng nông nghiệp chất lượng cao như chuỗi sản xuất chăn nuôi khép kín, trung tâm thương mại, phát triển chuỗi kinh doanh bán lẻ.
Cũng trong năm nay, IPCS sẽ tăng cường phối hợp địa phương đón tiếp và làm việc với các đoàn doanh nghiệp quốc tế khảo sát môi trường đầu tư; tổ chức toạ đàm, hội nghị xúc tiến đầu tư với cả hai hình thức trực tiếp và trực tiếp; tổ chức các lớp tập huấn xúc tiến đầu tư và một số chương trình khác theo yêu cầu của các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang,…