Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga có thể khiến nguồn cung bị thiếu hụt đáng kể trong suốt quý IV/2023. Ảnh: AFP |
Mức giá 100 USD/thùng sẽ xuất hiện trước năm 2024
Nhiều nhà phân tích đang đặt cược rằng giá dầu thô thế giới đạt mốc 100 USD/thùng trước khi bước sang năm 2024.
Thật vậy, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn dù giảm 0,3% nhưng vẫn đứng ở mức 93,46 USD/thùng trong phiên giao dịch chiều ngày 15/9 tại London, trong khi giá dầu WTI của Mỹ đi ngang ở mức 90,09 USD/thùng. Như vậy, cả dầu Brent và WTI đều đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.
Giá dầu tuần này tăng đột biến sau những lo ngại rằng nguồn cung sẽ bị siết mạnh trong quý IV/2023 sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng dầu mỏ cho đến cuối năm nay.
Đầu tháng 9, Saudi Arabia, nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tuyên bố sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm.
Tương tự, Nga, quốc gia có nhiều ảnh hưởng trong liên minh giữa OPEC và các nước đồng minh (gọi chung là OPEC+), cho biết sẽ giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm. Cả Saudi Arabia và Nga đều khẳng định họ sẽ xem xét mức cắt giảm tự nguyện hàng tháng.
Theo các nhà phân tích tại ngân hàng Bank of America, giá dầu có thể sớm quay lại mức trên 100 USD/thùng.
"Nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm và nhu cầu châu Á vẫn tích cực, thì hiện tại chúng tôi tin rằng giá Brent có thể tăng vượt 100 USD/thùng trước năm 2024", ông Francisco Blanch, trưởng nhóm phân tích tại Bank of America dự đoán.
Trong khi đó, ông Tamas Varga, nhà phân tích tại công ty môi giới dầu mỏ PVM cho rằng việc nhảy vọt tới mốc 100 USD/thùng là "hợp lý" do một loạt nhân tố, bao gồm: việc hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga, hoạt động bảo trì của các nhà máy lọc dầu, sự thiếu hụt dầu diesel ở châu Âu, và sự đồng thuận trong quan điểm rằng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ như hiện nay sẽ sớm kết thúc.
"Tuy nhiên, đợt phục hồi giá dầu như vậy cũng kéo theo áp lực lạm phát mới", ông Varga bình luận trên đài CNBC. Điều này đã được phản ánh trong dữ liệu lạm phát mới công bố của Mỹ và mức tăng chi tiêu của người dân, nhà phân tích của PVM dẫn chứng. Do đó, lãi suất cơ bản của Mỹ có thể vẫn được đẩy lên cao và có thể tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế lẫn nhu cầu dầu mỏ.
Thực tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 của Mỹ đã tăng 0,6% so với tháng 7/2023, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2022, theo công bố của Bộ Lao động Mỹ.
Cho nên, "vì lý do này, tôi tin rằng bất kỳ mức tăng giá nào lên 100 USD/thùng sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn", ông Varga cho biết.
Nguồn cung thiếu hụt đáng kể
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần này phát đi cảnh báo rằng việc hạn chế sản xuất của Saudi Arabia và Nga có thể sẽ dẫn đến "thiếu hụt thị trường đáng kể" trong suốt quý IV/2023.
Trong báo cáo dầu mỏ hàng tháng, Cơ quan năng lượng hàng đầu thế giới lưu ý rằng việc hạn chế sản lượng hơn 2,5 triệu thùng/ngày của liên minh OPEC+ kể từ đầu năm đến nay đã được bù đắp bởi các thành viên bên ngoài liên minh OPEC+, chẳng hạn như Mỹ và Brazil.
"Từ tháng 9 trở đi, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+, dẫn đầu là Saudi Arabia, sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt đáng kể trong quý IV", Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhấn mạnh.
Ông Christyan Malek, giám đốc chiến lược năng lượng toàn cầu tại JPMorgan, dự đoán giá dầu có thể giao dịch ở mức 80 - 100 USD/thùng trong ngắn hạn và ổn định ở khoảng 80 USD trong thời gian dài.
"Bước sang năm tới, mọi chuyện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta nhìn nhận diễn biến của thị trường Trung Quốc… Mỹ sẽ làm gì? Và thị trường dầu đá phiến phản ứng thế nào?" ông Malek nhận xét.
Chuyên gia này cho rằng Mỹ dường như có rất ít lựa chọn nếu nước này cố gắng kéo giá dầu và xăng xuống thấp hơn trước khi cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào năm tới.
"Đối với chúng tôi, một trong những dữ liệu quan trọng trong năm nay nói chung là việc chúng tôi đã thử được mức 70 USD. Cần phải xem xét chi phí cận biên, tất cả chúng ta đều có thể dự đoán được và chúng ta đã đạt được điều đó. Chúng ta đã đạt tới mức 70 USD và nó đã tăng trở lại nên với chi phí cận biên đó, chúng tôi đang xem xét mức giá dài hạn cao hơn nhiều", ông Malek nói thêm.
Tuy nhiên, không phải nhà phân tích nào cũng cho rằng giá dầu sắp quay trở lại mức 100 USD. Ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nhận định ngành dầu thô có vẻ ngày càng bị mua vào quá mức trong thời gian tới và dường như cần có một đợt giảm giá.
Trong một báo cáo nghiên cứu thị trường công bố tuần trước, ông Hansen cho biết: "Chúng tôi không tham gia phe ủng hộ mức giá 100 USD/thùng nhưng sẽ không loại trừ một khoảng thời gian tương đối ngắn mà dầu Brent có thể giao dịch trên 90 USD".
"Tuy nhiên, xu hướng tăng giá trung hạn vẫn vững chắc với xu hướng biến động quanh mức gần 85 USD, có khả năng là đáy khi nhận được sự ủng hộ tích cực từ hoạt động quản lý nguồn cung của OPEC", ông Hansen nói thêm.