Cảng nước sâu Dương Sơn, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Hãng tin Bloomberg dẫn nội dung "Bảng xếp hạng kinh tế thế giới hàng năm" của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (Vương quốc Anh) cho hay quy mô nền kinh tế toàn cầu lần đầu tiên vượt mốc 100.000 tỷ USD trong năm 2022, nhưng sẽ chững lại vào năm 2023 khi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát.
Kay Daniel Neufeld, Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận dự báo tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh, nhận định: "Có khả năng nền kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với suy thoái vào năm tới do lãi suất bị đẩy lên cao để đối phó với lạm phát".
Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh lưu ý rằng: "Cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa đến hồi kết. Chúng tôi dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ quyết liệt trong năm 2023, bất chấp các tổn thất kinh tế. Cái giá của hạ nhiệt lạm phát xuống mức dễ chịu hơn là triển vọng tăng trưởng kém hơn trong một số năm tới".
Những đánh giá trên dường như bi quan hơn so với dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tổ chức này đã cảnh báo vào tháng 10/2022 rằng hơn một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm và có 25% khả năng GDP toàn cầu tăng trưởng dưới 2% vào năm 2023 và kết quả này được xác định là suy thoái kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, đến năm 2037, GDP toàn cầu ước tăng gấp đôi khi các nền kinh tế đang phát triển bắt kịp các nền kinh tế giàu có hơn. Cán cân quyền lực đang thay đổi sẽ chứng kiến khu vực Đông Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp hơn 1/3 sản lượng toàn cầu vào năm 2037, trong khi "thị phần" của châu Âu giảm xuống dưới 1/5.
Các phân tích trên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh dựa trên dữ liệu của báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" của IMF và sử dụng mô hình nội bộ để dự báo tăng trưởng, lạm phát và tỷ giá hối đoái.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh dự báo Trung Quốc sẽ không thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới cho đến năm 2036 - muộn hơn 6 năm so với dự kiến. Điều này phản ánh chính sách Zero-Covid của Trung Quốc và căng thẳng thương mại gia tăng với phương Tây đã làm chậm quá trình tăng quy mô kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Trước đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028, nhưng trong bảng xếp hạng năm ngoái mốc thời gian này đã bị lùi lại năm 2030. Đến nay, đơn vị này cho rằng điều đó sẽ không xảy ra cho đến năm 2036 và thậm chí có thể xảy ra muộn hơn nếu Bắc Kinh cố gắng kiểm soát Đài Loan và đối mặt với các biện pháp trừng phạt thương mại.
"Hậu quả của chiến tranh kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây sẽ nghiêm trọng hơn nhiều lần so với những gì chúng ta đã thấy sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Gần như chắc chắn sẽ có một cuộc suy thoái thế giới nghiêm trọng và lạm phát gia tăng trở lại", Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh cảnh báo. Đơn vị này cũng nhấn mạnh: "Thiệt hại đối với Trung Quốc sẽ lớn hơn gấp nhiều lần và điều này có thể phá hủy bất kỳ nỗ lực nào nhằm dẫn dắt kinh tế thế giới".
Trong khi đó, Ấn Độ sẽ vươn lên trở thành lớn thứ 3 thế giới vào năm 2032 và quy mô ước đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2035.
Vương quốc Anh sẽ vẫn là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và Pháp đứng thứ 7 trong 15 năm tới. Tuy nhiên, Vương quốc Anh được cho rằng sẽ không còn thiết lập được các mốc tăng trưởng nhanh hơn các nước khác trong Liên minh châu Âu do "thiếu chính sách định hướng tăng trưởng và thiếu tầm nhìn rõ ràng về vai trò của mình bên ngoài Liên minh châu Âu".
Các nền kinh tế mới nổi với lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được "tiếp sức đáng kể" do trong giai đoạn tới nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Nền kinh tế toàn cầu sẽ cần một thời gian dài nữa để đạt mức GDP bình quân đầu người là 80.000 USD mà tại đó lượng khí thải carbon tách rời khỏi tăng trưởng. Điều đó có nghĩa là cần có các biện pháp can thiệp chính sách mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức chỉ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.