”Gã khổng lồ” Phố Wall JPMorgan Chase đã ra tay cứu vớt First Republic Bank vào cuối tuần qua. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến công bố quyết định chính sách tiền tệ mới nhất trong ngày 4/5 (giờ Mỹ) và một ngày sau đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ có động thái tương tự.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã rốt ráo tăng lãi suất trong hơn một năm qua nhằm kiềm chế lạm phát cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, những ngày gần đây các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng áp lực giá cả có thể sẽ còn cao hơn trong thời gian dài hơn, ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Báo cáo triển vọng của các nhà kinh tế trưởng do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố đầu tuần này lưu ý rằng lạm phát vẫn là mối lo ngại hàng đầu.
Gần 80% các nhà kinh tế trưởng được WEF khảo sát cho rằng các ngân hàng trung ương phải đối mặt với "sự đánh đổi giữa việc kiềm chế lạm phát và duy trì sự ổn định tài chính", trong khi một tỷ lệ tương tự cho rằng các ngân hàng trung ương sẽ gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu lạm phát của họ.
"Hầu hết các nhà kinh tế trưởng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ phải khéo léo cân bằng giữa mong muốn giảm lạm phát hơn nữa và những lo ngại về ổn định tài chính đã xuất hiện trong vài tháng qua", bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành WEF, bình luận trên đài CNBC.
Tuy nhiên, việc cân bằng giữa kéo giảm lạm phát và ổn định tài chính sẽ trở nên khó điều chỉnh hơn, theo Giám đốc điều hành WEF. Có khoảng 3/4 số nhà kinh tế được thăm dò đã dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao hoặc các ngân hàng trung ương không thể hành động đủ nhanh để kéo lạm phát trở lại mục tiêu.
Cuối tuần qua, First Republic Bank đã trở thành "nạn nhân" thứ ba của ngành ngân hàng Mỹ sau sự sụp đổ đột ngột của hai ngân hàng quy mô trung bình là Silicon Valley Bank và Signature Bank trong tháng 3/2023. Lần này, "gã khổng lồ" Phố Wall JPMorgan Chase đã ra tay giải cứu First Republic Bank sau khi thắng phiên đấu giá vào cuối tuần.
Trước đó, Cơ quan bảo vệ tài chính và đổi mới California (DFPI) hôm 1/5 đã thông báo rằng các cơ quan quản lý đã nắm quyền sở hữu First Republic Bank. Cơ quan này đã chỉ định Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) là bên tiếp nhận First Republic Bank.
Theo ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, động thái trên đánh dấu sự kết thúc của hỗn loạn thị trường gần đây sau khi tập đoàn này mua lại gần như tất cả các khoản tiền gửi và phần lớn tài sản của First Republic Bank.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế hàng đầu chia sẻ tại Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức ở Geneva hôm 2/5 rằng lạm phát cao hơn và mức độ bất ổn tài chính lớn hơn sẽ tiếp tục kéo dài.
"Chúng ta chưa xoay trục sang kỷ nguyên mới này, đó là một kỷ nguyên mà về mặt cấu trúc sẽ lạm phát nhiều hơn, một thế giới hậu toàn cầu hóa mà sẽ không có cùng quy mô thương mại, sẽ có nhiều rào cản thương mại hơn và theo phân tích nhân khẩu học thì những người về hưu là những người gửi tiền tiết kiệm, họ sẽ không tiết kiệm theo cách giống nhau", bà Karen Harris, Giám đốc điều hành mảng xu hướng vĩ mô tại Công ty tư vấn quản trị Bain & Company, đánh giá.
"Ngoài ra, chúng ta chứng kiến lực lượng lao động đang suy giảm, đòi hỏi phải đầu tư vào tự động hóa ở nhiều thị trường, do đó tạo ra ít vốn hơn, vốn và hàng hóa di chuyển tự do ít hơn, nhu cầu về vốn nhiều hơn. Điều đó đồng nghĩa với lạm phát, áp lực lạm phát sẽ cao hơn", bà Harris cảnh báo.
Cũng theo đại diện Bain & Company, sẽ "phi logic" khi cho rằng ngành ngân hàng đang cố gắng xoay sở trong môi trường lãi suất cao hơn, nên sẽ không xuất hiện thêm “nạn nhân” nào khác, ngoài ba ngân hàng Mỹ là Silicon Valley Bank, Signature Bank, First Republic Bank, và ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse.
Ông Jorge Sicilia, nhà kinh tế trưởng tại Công ty dịch vụ tài chính BBVA Group (Tây Ban Nha), nhận định rằng sau khi lãi suất tăng đột ngột trong khoảng 15 tháng qua, các ngân hàng trung ương có thể sẽ muốn "chờ xem" sự thay đổi chính sách tiền tệ này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao. Tuy vậy, ông Sicilia cho rằng một mối lo ngại lớn hơn là "những điều bất ổn" tiềm ẩn mà thị trường hiện chưa nhận ra.
"Trong bối cảnh mà đòn bẩy rất cao vì mức lãi suất rất thấp được duy trì trong một thời gian dài, thì thanh khoản sẽ không dồi dào như trước, sẽ không biết vấn đề tiếp theo sẽ xảy ra ở đâu", ông Sicilia nêu tại Hội nghị thượng đỉnh về tăng trưởng của Diễn đàn kinh tế thế giới.
Ông Sicilia cũng nhấn mạnh rằng báo cáo ổn định tài chính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã chỉ ra "mối liên kết" của đòn bẩy, tính thanh khoản và những bất ổn này.
"Nếu sự liên kết của những bất ổn không ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng thường cung cấp khoản vay, thì nó sẽ không gây ra vấn đề nghiêm trọng và do đó, các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục tập trung vào lạm phát", ông Sicilia cho biết.
"Điều đó không có nghĩa là sẽ không xảy ra bất ổn, nhưng có thể tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu lạm phát không giảm xuống mức gần 2 hoặc 3% và các ngân hàng trung ương vẫn không có động tĩnh", ông Sicilia nói thêm.