
![]() | ||
Sách dạy lịch sử, địa lý cho trẻ em "Khải đồng thuyết ước" vẽ Hoàng Sa Chử, tên gọi khác của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong tài liệu vừa được giới thiệu |
Phát biểu tại buổi ra mắt, ông Nguyễn Xuân Thắng, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, cuốn sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện dày 500 trang, tập hợp từ 46 tài liệu Hán Nôm, trong đó có nhiều tài liệu gốc lần đầu được công bố.
46 tài liệu gồm các tập bản đồ, các bộ sử, địa chí, hội diễn, các tập văn bản hành chính, các tập thơ văn, tạp văn… ghi chép một cách đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong đó, bản đồ có tên gọi “Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá vẽ khoảng sau năm 1630 có ghi chép về quần đảo Hoàng Sa với tên gọi là “Bãi cát vàng, dài khoảng 400 dặm, rộng 20 dặm, sừng sững giữa biển”.
Bộ sử “Đại Việt sử ký tục biên”, “ Phủ biên tạp lục”, “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Nam thực lục” đều có ghi chép những chuyến ra biển của người dân địa phương, việc nhà Nguyễn đặt đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải và có quan đội Hoàng Sa kiêm quản, thực hiện những chuyến ra khơi để quản lý biển đảo.
Tất cả các tài liệu lịch sử được tập hợp trong sách là những căn cứ pháp lý sinh động, nhất quán khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc, các tài liệu trong cuốn sách ngoài bản in bằng tiếng Hán Nôm còn có bản phiên âm và bản dịch ra tiếng Việt.
“Việc ra mắt cuốn sách có ý nghĩa rất lớn trong việc đấu tranh với những luận điệu sai trái của Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”, ông Thắng cho biết.
Phan Long