Giữ lại DNNN để phát triển thành tập đoàn
103 DNNN trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg) không hẳn sẽ an nhàn với các kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp.
Với yêu cầu phải bảo đảm các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 100% vốn phát triển thành các tập đoàn có thương hiệu mạnh và cạnh tranh hiệu quả mà Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đưa ra, các cơ quan chủ quản và bộ máy điều hành của các doanh nghiệp này đang bị đặt vào áp lực rất lớn.
Tổng công ty Đường sắt nằm trong danh sách Nhà nước nắm giữ 100% vốn trong giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Đ.T |
Tạm chưa tính tới một số DNNN mang tính đặc thù, như các doanh nghiệp trong lĩnh vực xổ số, ngân hàng chính sách hay “ngân hàng 0 đồng”, trong danh sách này mới có 2 tập đoàn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – công ty mẹ (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam – công ty mẹ (EVN).
Nhiều doanh nghiệp trong danh sách trên còn xa mới đạt được mục tiêu mà Phó thủ tướng nhấn mạnh. Có thể kể tới Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường, các nhà xuất bản của Bộ Giao thông – Vận tải, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…
Thậm chí, trong Quyết định 2136/2016/QĐ-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ký tháng 9/2016 phê duyệt Chiến lược Phát triển Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu hoạt động sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực thuộc ngành tài nguyên và môi trường được đặt ra định hướng đến năm 2030. Còn trong giai đoạn đến năm 2020, mục tiêu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước này chỉ là đổi mới tổ chức quản lý, sản xuất - kinh doanh, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ...
Điều đáng nói là, việc không đặt rõ mục tiêu trở thành tập đoàn có thương hiệu mạnh và cạnh tranh hiệu quả dường như không phải hiếm trong chiến lược phát triển của nhiều DNNN.
Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
Cũng phải nói thêm, ngay trong Quyết định 2136/2016/QĐ-BTNMT, việc phát triển Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam dựa trên việc tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về định hướng chính sách… đã được nhắc đến trong phần quan điểm của chiến lược này.
Dường như hơi hướng của môi trường thiếu cạnh tranh đối với DNNN này khá rõ. Đây chính là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhắc tới để lý giải cho sự kém hiệu quả trong hoạt động của DNNN trên thế giới nói chung, cũng như ở Việt Nam. Thủ tướng cũng nói, nếu giữ các DNNN mà hiệu quả thấp, thì khả năng chèn lấn khu vực tư nhân là có.
Như vậy, trách nhiệm đặt DNNN vào kỷ luật thị trường của các bộ, ngành, địa phương trong vai chủ quản của DNNN đã khá rõ ràng.
Song, ở góc độ các nhà đầu tư, việc DNNN tận dụng chính sách từ bộ chủ quản cũng chính là rào cản khiến nhiều kế hoạch cổ phần hóa DNNN vẫn chưa thực sự hấp dẫn họ.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Giám đốc điều hành của Stoxplus khi trao đổi về cơ hội đầu tư trong tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 - 2020 (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức tháng 12/2016) đã nhắc tới sự mù mờ của các thông tin về ngành hàng mà DNNN thuộc diện cổ phần hóa đang hoạt động.
Ông Thuân kể, nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang tìm kiếm thông tin về tình hình cổ phần hóa DNNN trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp này. Với thị trường hơn 93 triệu dân, dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng, đây là lĩnh vực đang được coi là “nóng sốt”, nhưng lại không dễ “xuống tiền”.
“Họ hỏi chúng tôi về quy hoạch phát triển ngành mà doanh nghiệp được cổ phần hóa đang hoạt động, về những định hướng của đầu tư từ Nhà nước, DNNN trong ngành nghề đó. Họ hỏi chúng tôi về yêu cầu niêm yết với các doanh nghiệp sau cổ phần hóa…”, ông Thuân cho biết.
Hai tháng trước, ông Thuân cũng đón một đoàn nhà đầu tư Nhật đến để tìm cơ hội từ DNNN trong lĩnh vực sản xuất bao bì thực phẩm. Họ đã gửi câu hỏi về chiến lược phát triển ngành này, chứ không đơn giản là tỷ lệ vốn nhà nước giữ lại.
Có thể thấy, việc thu hút được nguồn lực có chất lượng để cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau cổ phần hóa không dễ dàng khi thông tin về cổ phần hóa DNNN đang được công bố chưa khớp được với nhu cầu của nhà đầu tư. Đây cũng là điều mà các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải lưu tâm trong năm 2017 để đạt được các mục tiêu cổ phần hóa đã được giao.
Tuy nhiên, trước mắt, phải nhắc tới Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN. Khi các kế hoạch cổ phần hóa đang trong giai đoạn thực hiện, thì có lẽ, việc thực hiện nghiêm quy định này là cần thiết. Nhiều DNNN đang gò lưng hoàn thiện bộ máy để thực hiện nhiệm vụ này, vì không thể công khai nếu không có bộ máy tốt. Chỉ riêng việc này cũng đã tạo nên bộ mặt mới cho DNNN – ít nhất ở góc độ công khai, minh bạch với thị trường.
Doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng: 2
Bộ Quốc phòng: 8
Bộ Công thương: 11
Bộ Giao thông – Vận tải: 1
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 8
Tập đoàn Cao su Việt Nam: 2
Các tỉnh Bến Tre, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hải Dương, Khánh Hòa, Kon Tum, Quảng Ninh, Sơn La, Tiền Giang,
Thừa Thiên Huế: mỗi tỉnh 1
Gia Lai: 3
Hà Nội, Nam Định: mỗi địa phương 2
Nguồn: Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp