Ngành sản xuất của Việt Nam đã sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm. Ảnh: Đức Thanh |
Bức tranh tích cực
Không nằm ngoài dự đoán, bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm tiếp tục được đánh giá là tích cực. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7, các thành viên Chính phủ có chung nhận định này.
“Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Điều này được Bộ trưởng nhấn mạnh từ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng trước, khi mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm được công bố ở mức 6,42%.
Hàng loạt chỉ số đã được Bộ trưởng viện dẫn để chứng minh cho nhận định của mình, từ sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh (7 tháng tăng 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5%), số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập tăng 10,5% so với cùng kỳ… đến tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, thị trường bất động sản chuyển biến tích cực, các hoạt động giao dịch dần tăng trở lại…
“Chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhờ lựa chọn thu hút đầu tư kỹ lưỡng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và đã nhắc đến chuyện Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm - đây là tháng thứ 4 liên tiếp, PMI đạt trên 50 điểm và điều này cho thấy, hoạt động sản xuất tiếp tục phục hồi.
Khi Chỉ số PMI tháng 7/2024 của Việt Nam được công bố, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence nhấn mạnh về sự cải thiện của “sức khỏe” ngành sản xuất Việt Nam, mức cải thiện của các điều kiện kinh doanh. “Ngành sản xuất của Việt Nam đã sôi động trở lại vào thời điểm giữa năm, vượt qua tình trạng tăng trưởng tương đối khiêm tốn nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng nhanh”, ông Andrew Harker nói.
Điều này có lẽ tương đồng với nhận định của Bộ Công thương. Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng khi trả lời câu hỏi của báo giới trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7/2024 đã nhấn mạnh, những kết quả tăng trưởng của công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng đã phản ánh một bức tranh “rất tích cực” của nền sản xuất trong nước.
“Sản xuất công nghiệp đang phục hồi mạnh mẽ so với năm 2023 và có đà tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nói và nhấn mạnh, sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước, đặc biệt ở các địa phương có vai trò trọng điểm trong phát triển công nghiệp.
Giữ nhịp độ tăng trưởng
Các động lực tăng trưởng ở cả phía cung và phía cầu là tích cực. Nhưng một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những thách thức của nền kinh tế: “Các động lực tăng trưởng còn nhiều khó khăn, thách thức, cần quyết liệt, tập trung cải thiện, tháo gỡ”.
Chưa kể, đầu tư phục hồi chậm, sức mua trong nước còn tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019; đồng thời các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với áp lực cạnh tranh tăng cao ở cả thị trường thế giới và trong nước…
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh việc làm sao để tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 7%. Người đứng đầu Chính phủ đặt những câu hỏi: Phải chăng là phải quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc liên quan thể chế, tập trung thi hành tốt các luật mới được ban hành và đã có hiệu lực như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng? Phải chăng là các bộ, ngành phải hướng dẫn cụ thể hơn nữa, các địa phương phải chủ động, tích cực hơn nữa, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phản ứng chính sách tốt hơn, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới…?
Trả lời câu hỏi của Thủ tướng cũng là lời giải cho nền kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2024 một lần nữa nhấn mạnh việc “tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu”, đồng thời “thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các hội đồng điều phối vùng…”.
Vấn đề đặt ra là, những giải pháp trên không phải là lần đầu tiên được nhắc tới, do vậy, phải làm sao để đưa được vào cuộc sống, phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng cần được thúc đẩy, đó là phải kích cầu, bao gồm cả kích cầu đầu tư và tiêu dùng.
Ngoài chuyện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, làm sao đưa được 15 triệu tỷ đồng - số tiền dân gửi trong ngân hàng - phục vụ đắc lực cho sản xuất - kinh doanh. Khi vốn không được đưa vào nền kinh tế, khó có thể kỳ vọng nền kinh tế có thể tăng tốc phát triển.
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhiều lần bày tỏ sự lo lắng khi đầu tư của khu vực tư nhân có xu hướng suy giảm trong thời gian gần đây. “Tinh thần đầu tư đang giảm sút. Nếu tiếp tục như vậy, tiềm năng tăng trưởng sẽ giảm”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Khơi thông nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, theo lẽ đó, là giải pháp rất quan trọng để kích cầu cả đầu tư, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn.
Ở góc độ khác, chuyện kích cầu tiêu dùng nội địa cũng quan trọng không kém. Hiện tại, do niềm tin có phần bị sụt giảm, do kinh tế khó khăn, xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân vẫn hiện hữu. Kích được người dân “mở hầu bao” cũng là giải pháp hữu hiệu để nền kinh tế có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng.