Cơn khát chip toàn cầu khiến các hãng ô tô phải loại bỏ một số tính năng cao cấp trên xe. Ảnh: AFP |
Hai nguồn tin giấu tên của đài CNBC vừa tiết lộ thương vụ này. Nexperia là một công ty "mác" Hà Lan nhưng lại do Công ty bán dẫn Wingtech Technology của Trung Quốc sở hữu 100% vốn. Đại diện Nexperia hôm 2/7 xác nhận cuộc đàm phán thỏa thuận trên đang được thực hiện.
Nhà máy chip Newport Wafer Fab đóng chân ở Newport, South Wales, do tư nhân nắm giữ từ năm 1982. Đây là một trong số ít các nhà máy chế tạo chất bán dẫn ở Vương quốc Anh.
Các nguồn tin cho biết Nexperia sẽ công bố việc tiếp quản sớm nhất vào tuần tới, vào ngày 5/7 hoặc một ngày sau đó.
Trong khi đó, người phát ngôn Nexperia cho biết: "Chúng tôi đang có các cuộc trao đổi mang tính xây dựng với Newport Wafer Fab và chính quyền xứ Wales về tương lai của Newport Wafer Fab". "Cho đến khi chúng tôi đưa ra kết luận, chúng tôi không thể bình luận thêm", vị này nói thêm.
Thông tin về thỏa thuận gây sự chú ý bởi nó xuất hiện trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu tác động nặng nề của "cơn khát" chip toàn cầu. Cơn khát này cùng lúc kích hoạt cuộc đua giữa các quốc gia để trở nên độc lập hơn trong sản xuất chất bán dẫn. Phần lớn nguồn cung chip hiện nay được sản xuất ở châu Á, đến từ 3 nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bao gồm: TSMC của Đài Loan, Samsung của Hàn Quốc, và SMIC của Trung Quốc.
Trong thư gửi Bộ trưởng Kinh tế Vương quốc Anh Kwasi Kwarteng vào tháng 6, ông Tom Tugendhat, người đứng đầu Nhóm chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc (China Research Group) của chính phủ Anh Quốc, kiêm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Anh, bày tỏ lo ngại về việc Newport Wafer Fab bị thâu tóm.
"Tôi phải nhấn mạnh một lần nữa rằng việc Newport Wafer Fab - nhà máy chế tạo và phát triển công nghệ silicon và bán dẫn hàng đầu của Vương quốc Anh - bị một thực thể Trung Quốc tiếp quản; theo quan điểm của tôi, nó là mối lo ngại kinh tế và an ninh quốc gia đáng kể", ông Tugendhat nêu.
Ông Tugendhat kêu gọi chính phủ Anh Quốc xem xét lại thương vụ mua bán này dựa theo Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư được ban hành vào tháng 4/2021 như một phần trong nỗ lực bảo vệ các công ty công nghệ của nước này trước sự thâu tóm bên ngoài.
"Đây là nhà máy bán dẫn tiên tiến lớn nhất cuối cùng còn sót lại ở Anh được bán cho Trung Quốc và chính phủ Anh sẽ không hành động gì với nó", một nguồn thạo tin của CNBC bình luận, đồng thời cho rằng họ ít nhất cũng nên xem lại và thậm chí có thể thu về 1 tỷ USD.
"Chúng tôi đã nắm được thương vụ Nexperia muốn tiếp quản Newport Wafer Fab. Chúng tôi không cho rằng hiện là lúc thích hợp để can thiệp, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ và sẽ không ngần ngại sử dụng quyền hạn của mình theo Đạo luật Doanh nghiệp nếu tình hình thay đổi", một phát ngôn viên của chính phủ Anh Quốc cho biết.
Vị này nói thêm: "Chúng tôi vẫn cam kết phát triển lĩnh vực bán dẫn và duy trì vai trò quan trọng của nó đối với nền kinh tế".
Mức giá 63 triệu bảng (tương đương 87 triệu USD) để mua lại Newport Wafer Fab là thấp hơn nhiều so với mức 900 triệu USD mà Texas Instruments ra giá cho chi nhánh bỏ không của hãng sản xuất bộ nhớ máy tính và lưu trữ dữ liệu máy tính Micron Technology (Mỹ) ở bang Utah trong tuần này.
Trên thực tế, Newport Wafer Fab đang dính một số khoản nợ tồn, bao gồm 20 triệu bảng Anh với HSBC và 18 triệu bảng Anh với chính quyền xứ Wales. Nguồn tin giấu tên cho biết thêm, những khoản nợ này sẽ được thanh toán dứt điểm hết sau thương vụ mua bán.
Riêng CEO Drew Nelson - một cổ đông lớn của Newport Wafer Fab sau khi ông mua lại doanh nghiệp này từ Infineon của Đức 4 năm trước - sẽ bỏ túi được khoảng 15 triệu bảng Anh nếu thương vụ mua bán chót lọt.
Newport Wafer Fab chuyên sản xuất chip silicon sử dụng trong ứng dụng cung cấp điện cho sản xuất ô tô - ngành công nghiệp vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thiếu chip toàn cầu. Công ty này đang nghiên cứu phát triển sản phẩm "chất bán dẫn hỗn hợp" tiên tiến hơn, nhanh và tiết kiệm năng lượng hơn.
Theo thỏa thuận, CEO Nelson vẫn được phép triển khai hạng mục sản xuất bán dẫn hỗn hợp của Newport Wafer Fab. Ông Nelson cũng có kế hoạch tái đầu tư số tiền thu được từ thương vụ mua bán vào liên doanh mới này. Ngoài ra, cổ đông lớn này cũng sẽ được phép giữ lại thương hiệu Newport Wafer Fab.
Trước Newport Wafer Fab, Arm - "viên ngọc quý" của ngành công nghệ Anh - đã đồng ý bán mình cho gã khổng lồ chip Nvidia của Mỹ với giá 40 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ thâu tóm này đang bị cơ quan quản lý của nhiều nước trên thế giới tiến hành điều tra sau khi Qualcomm và các đối thủ khác trong ngành bán dẫn lên tiếng phản đối.
Do căng thẳng giữa Trung Quốc và các nền dân chủ trên thế giới gia tăng, nhiều quốc gia đang điều tra các thỏa thuận tiếp quản công nghệ của Trung Quốc trước khi thỏa thuận được chấp thuận.
Đầu tháng này, Hàn Quốc đã bắt đầu tiến hành đánh giá sau khi Wise Road Capital có trụ sở tại Bắc Kinh phê chuẩn thỏa thuận mua lại công ty bán dẫn MagnaChip, mà phía Hàn Quốc cho rằng đây là "công nghệ cốt lõi quốc gia". Còn Bộ Tài chính Mỹ yêu cầu các bên liên quan đến thương vụ này phải thông báo tới Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ.
Ba tháng trước, chính phủ Italy đã ngăn cản Công ty đầu tư Shenzhen Investment Holdings (Trung Quốc) mua lại cổ phần kiểm soát LPE, một công ty bán dẫn có trụ sở tại Milan.