Doanh nghiệp
Giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua làn sóng Covid-19 thứ tư
Donald Lambert - 12/09/2021 10:10
Với nguồn lực rất hạn chế, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự hỗ trợ nhiều hơn, linh hoạt hơn.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Ngọc Sơn (tỉnh Hà Nam). Ảnh: Đức Thanh

Khó khăn chồng chất với doanh nghiệp nhỏ

Sau hơn một năm tránh được tác động xấu nhất của đại dịch đối với nền kinh tế, Việt Nam đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất. Tổng cục Thống kê công bố doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 20% trong giai đoạn từ tháng 7/2020 tới tháng 7/2021. Tháng 8 vừa qua, tình hình cũng không mấy khả quan. Trong bản bổ sung Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á hồi tháng 7/2021, Ngân hàng Phát triển châu Á đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 từ 6,7% xuống còn 5,8%. Có thể có các điều chỉnh giảm hơn nếu tình trạng phong tỏa vẫn tiếp diễn.

Suy thoái kinh tế tất yếu đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa theo nhiều khía cạnh khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ có dự trữ tiền mặt thấp hơn và khả năng tiếp cận tín dụng ít hơn, nên họ lệ thuộc nhiều hơn vào dòng tiền và ít khả năng chống đỡ hơn trước sự sụt giảm nhu cầu.

Trong khi các phương tiện truyền thông thường đưa tin về tình trạng “quy mô quá lớn, nên không thể bị sụp đổ”, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đối mặt với vấn đề ngược lại: “quá nhỏ để được cứu”. Việc tái cơ cấu khoản vay mất rất nhiều thời gian. Các ngân hàng có động cơ mạnh mẽ để thực hiện thủ tục tốn kém này cho khách hàng lớn hơn. Chính vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn hơn nhiều trong việc giành được sự chú ý của các ngân hàng.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông ở mức độ thấp hơn, khiến họ khó duy trì hoạt động hơn trong thời gian phong tỏa. Dù Chính phủ Việt Nam đang cung cấp các chương trình hỗ trợ, song doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có ít thông tin và khả năng tiếp cận hơn.

Mặc dù những thách thức trên xảy ra với tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng ảnh hưởng càng trầm trọng hơn đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, bởi các doanh nghiệp này thường có quy mô vốn nhỏ hơn. Hiện chỉ có 1/4 số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam do phụ nữ làm chủ. Họ có ít khả năng hơn để tiếp cận các dịch vụ tài chính. Đồng thời, các sản phẩm tài chính khó có thể được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của họ.

Hơn nữa, doanh nhân nữ hoạt động nhiều trong lĩnh vực dịch vụ, nơi đặc biệt dễ bị ngưng hoạt động. Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc khảo sát được thực hiện tại Việt Nam vào đầu đại dịch cho thấy, các chủ doanh nghiệp là phụ nữ lo ngại về khả năng tồn tại của doanh nghiệp hơn các đồng nghiệp nam.

Việc chăm sóc con cái cũng ảnh hưởng đến thời gian và nguồn lực của các nữ doanh nhân. Một báo cáo của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) năm 2020 cho thấy, trung bình mỗi ngày, phụ nữ Việt Nam dành nhiều hơn 105 phút cho công việc chăm sóc không được trả công so với nam giới. Con số này sẽ tăng lên trong đại dịch Covid-19, khi họ vừa phải quản lý doanh nghiệp, vừa giúp con học từ xa, trong bối cảnh nhiều dịch vụ trông trẻ, gia sư và dịch vụ tại nhà bị đóng cửa hoặc cắt giảm.

Cần hỗ trợ

Để giải quyết những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt, có vô số ưu tiên chính sách cần phải thực hiện.

Ưu tiên trước tiên là tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế đang có sự phân chia giữa các nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng cao với các nền kinh tế chưa đạt được điều này.

Ưu tiên thứ hai là tránh đóng cửa doanh nghiệp. Kém hiệu quả nhất về mặt kinh tế là việc đóng cửa một doanh nghiệp kinh doanh khả thi, có khả năng thanh toán, nhưng thanh khoản yếu. Ở thời điểm này, chính sách tiền tệ đã rất thuận lợi. Các ngân hàng được yêu cầu tái cơ cấu các khoản vay và giảm lãi suất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho các ngân hàng hoãn báo cáo về các khoản nợ xấu.

Đó là những biện pháp quan trọng, nhưng với mức độ nghiêm trọng của làn sóng Covid-19 thứ tư hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần sự hỗ trợ trực tiếp nhiều hơn. Các khoản bảo lãnh và cho vay trực tiếp của Chính phủ có xu hướng đòi hỏi nhiều thủ tục và tạo ra rủi ro tín dụng cho Chính phủ, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa cần thận trọng với việc vay nợ thêm.

Việt Nam đã và đang hoãn, giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Cũng đã có các khoản hỗ trợ chi trả một lần cho doanh nghiệp hộ gia đình và người lao động thất nghiệp.

Việt Nam đã quản lý chi tiêu công một cách thận trọng trong những năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Sự thận trọng này giờ đây mang lại tính linh hoạt để mở rộng hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm hỗ trợ cho người lao động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mất việc; hỗ trợ người nhập cư tại các thành phố bị phong tỏa và thiếu lương thực cũng như những nhu yếu phẩm khác.

Bên cạnh hỗ trợ khẩn cấp, gói kích thích kinh tế, nên ưu tiên việc ứng dụng công nghệ thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ngắn hạn, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn có thể giúp doanh nghiệp chuyển hoạt động bán hàng sang các kênh trực tuyến. Việc này không chỉ giúp duy trì hoạt động trong giai đoạn phong tỏa vì Covid-19, mà còn bảo vệ sức khỏe của nhân viên và khách hàng.

Trong trung hạn, việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy năng suất và củng cố chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ. Một báo cáo gần đây của IFC về Đông Nam Á cho thấy lợi ích tiềm tàng tới 280 tỷ USD nếu các doanh nghiệp của phụ nữ chuyển sang thương mại điện tử.

Một điểm cuối cùng cần cân nhắc, nhất là đối với các doanh nhân nữ, là triển khai tiêm chủng cho trẻ em để các trường học có thể mở cửa trở lại. Một báo cáo năm 2020 của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc đánh giá, các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ có nguy cơ giảm hoạt động kinh doanh trong đại dịch gấp hai lần, do việc phân công trách nhiệm chăm sóc trẻ em không bình đẳng.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, đồng thời tuyên bố rằng, cơ quan này có thể phê duyệt vắc-xin Pfizer và Moderna cho trẻ em nhỏ tuổi hơn vào cuối năm 2021. Những loại vắc-xin này có nguồn cung hạn chế, nên cần lập kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tới trường, khi phù hợp.

Một câu nói nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng lại rất thật: “Doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế Việt Nam”. Do vậy, Việt Nam cần có những hành động mang tính quyết định để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm cả doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, duy trì hoạt động kinh doanh của mình qua làn sóng Covid-19 thứ tư này.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác