Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, kết quả kinh doanh Gỗ An Cường giảm đáng kể về cả doanh thu lẫn lợi nhuận |
CTCP Gỗ An Cường công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với doanh thu thuần đạt 886 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp kỳ này giảm 20% và ở mức 214 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 24,6% xuống còn 24,2%.
Nhiều khoản chi phí đã được Gỗ An Cường tiết giảm, thậm chí khá mạnh tay. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 16,4% và 8,6%. Chi phí tài chính cũng giảm 37,5% xuống 3,3 tỷ đồng.
Quy mô nhân sự đã thu hẹp đáng kể trong 6 tháng qua. Số lượng cán bộ nhân viên đã giảm18,3% so với đầu năm, từ 3.642 người xuống 2.974 người.
Doanh thu hoạt động tài chính riêng quý II mang về 28 tỷ đồng, tăng mạnh 45% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu tài chính đến từ khoản thu từ lãi tiền gửi và khoảng 5 tỷ đồng nhờ lãi chênh lệch tỷ giá. Công ty báo lãi sau thuế quý II/2020 đạt 104 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của An Cường trong nửa đầu năm 2020 |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng đạt 1.615 tỷ đồng , giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, doanh thu tài chính tăng 37% lên 51 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 23% xuống 166 tỷ đồng. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu dù giảm 24,4% vẫn khá cao, ở mức 1.905 đồng.
Lượng tiền gửi ngân hàng dồi dào đã mang lại khoản lãi tài chính trên. Tại thời điểm 30/6/2020, công ty có hơn 29 tỷ đồng tiền và tương đương tiền và 1.416 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 3 -12 tháng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trên đã tăng vọt 47% từ mức 961 tỷ đồng hồi đầu năm. An Cường cho biết mức lãi suất đang được hưởng năm trong khoảng 6,8% - 8,5%/năm.
Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty chiếm tới 1/3 quy mô tài sản. Cuối quý II, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt 4.332,7 tỷ đồng, tăng 3,67% so với đầu năm. Trong khi tiền được tích thêm, tồn kho của công ty hay các khoản phải thu khách hàng giảm lần lượt 55 tỷ đồng và 63 tỷ đồng so với đầu năm. Giá trị các tài khoản cố định cũng giảm nhờ tăng cường trích khấu hao. Hiện An Cường đã khấu hao được 1/3 trong tổng nguyên giá gần 1.000 tỷ đồng các tài sản cố định hữu hình.
Về nguồn vốn, An Cường sử dụng chủ yếu từ vốn tự có. Các hoạt động vay nợ không nhiều, chỉ khoảng 803 tỷ đồng (18,5% nguồn vốn). Phải trả người bán ngắn hạn giảm 26% xuống 187,7 tỷ đồng nhưng công ty lại tích cực vay từ các ngân hàng. An Cường hiện vay 335,4 tỷ đồng từ 4 ngân hàng, gấp rưỡi con số đầu năm. Các kỳ hạn vay đều khá ngắn (dưới 6 tháng) và được áp dụng mức lãi suất thấp (khoảng 5,5%/năm).
Vốn chủ sở hữu ở mức 3.529,5 tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với đầu năm. Quy mô vốn điều lệ hiện tại là 876 tỷ đồng, tương đương 87,6 triệu cổ phiếu lưu hành. Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam là cổ đông lớn nhất, nắm giữ 50,04% vốn điều lệ. Hai cổ đông lớn còn lại đều là tổ chức nước ngoài gồm Whitlam Holding Pte. Ltd và Sumitomo Forestry (Singapore) Ltd với tỷ lệ sở hữu lần lượt 18,06% và 19,51%.